Những thương binh sống đẹp giữa đời thường

Cập nhật: 23-07-2013 | 00:00:00

> Kỳ 2: 5 thương binh chung sức dựng xây cơ nghiệp

> Kỳ 3: Tình đồng đội

> Kỳ 4: Tham gia các hoạt động thiện nguyện

 Kỳ cuối: Sống gương mẫu ở khu dân cư

Trong chiến tranh, kiên cường anh dũng chiến đấu, thời bình, trở về với đời thường, dù trong người mang thương tật nhưng những thương binh vẫn phát huy truyền thống “bộ đội Cụ Hồ”, họ trở thành những hạt nhân trong các phong trào, sống gương mẫu tại địa phương. Những thương binh mà chúng tôi đã gặp tại TP.TDM là những trường hợp cụ thể…

 Làm tốt công tác hòa giải 17 năm liền

Là một người con trong gia đình có truyền thống cách mạng quê ở huyện Bến Cát nhưng sống tại xã Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) từ khi còn nhỏ, cha tham gia cách mạng chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ năm 1947 và hy sinh năm 1972; mẹ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến…Ông tên là Trần Quốc Cường, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tương Bình Hiệp.

Từ giữa năm 1969 đến đầu năm 1970, tình hình xã Tương Bình Hiệp gặp rất nhiều khó khăn do phong trào quần chúng liên tiếp bị khủng bố, hàng ngày người dân phải chịu biết bao khổ cực, đau thương, cán bộ đảng viên nhiều khi phải nằm hầm bí mật nhiều ngày… Ông Cường lúc ấy làm chỉ huy du kích xã, đã phối hợp cùng bộ đội, du kích xã Tân An đánh đồn, bót, phục kích tiêu diệt nhiều tên ác ôn trên địa bàn. Những chiến công của ông người dân ở địa phương đều biết, lịch sử Đảng bộ xã Tương Bình Hiệp cũng trân trọng ghi nhận công lao đóng góp của ông…  

Đó là ngày 3-10-1972, lực lượng Xã đội Tương Bình Hiệp do ông và đồng đội Lê Trung Dũng chỉ huy đã dùng 2 trái mìn DH10 và DH5 đánh tiêu diệt bót Gò Cây Da. Ngày 5-10-1972, Tiểu đoàn 14 thuộc Đoàn 429 cùng du kích xã Tân An, Tương Bình Hiệp, Định Hòa đánh tiêu diệt bót Sở Sao. Ngày 6-10-1972, ta tiếp tục đánh 2 tiểu đoàn địch thuộc Trung đoàn 52 Sư đoàn 18 mới đến chi viện. Trước những đòn tấn công vũ bão của bộ đội và du kích, ngày 10-10-1972, địch phải rút chạy. Thừa thắng xông lên, bộ đội và du kích xã kết hợp đánh 2 đại đội lính địa phương quân đi càn quét. Ngày 28-12-1972, cờ cách mạng tung bay phất phới một số nơi ở xã Tương Bình Hiệp. Trong toàn đợt tiến công chiến lược có nhiều nơi ta làm chủ từ 2 đến 3 ngày. Riêng xã Tương Bình Hiệp, bộ đội huyện và du kích xã làm chủ đến 7 ngày, góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972…

Chiến tranh kết thúc, ông trở về địa phương với chứng nhận là thương binh 3/4 - hậu quả của những lần bị thương trong những năm 1972-1973 và trải qua nhiều công việc khác nhau: Chủ tịch UBND xã nhiều năm liền, Phó Chủ tịch Hội CCB kiêm Bí thư Chi bộ 6 thuộc Đảng bộ xã Tương Bình Hiệp - đơn vị được công nhận danh hiệu trong sạch vững mạnh nhiều năm liền, Chủ tịch Hội CCB xã Tương Bình Hiệp nhiều nhiệm kỳ…  

Sau ngày giải phóng khi cuộc sống còn nhiều khó khăn ông đã làm nhiều công việc để cải thiện đời sống: làm sơn mài, chăn nuôi heo, mở quán bán buôn… Khi cuộc sống đã đỡ hơn, ông lại tích cực hỗ trợ, giúp đỡ vốn cho anh em đồng chí, hội viên CCB của xã mượn không tính lãi để sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống. Đặc biệt, ông là một hạt nhân trong nhiều phong trào của xã. Hiện nay ở địa phương, ông là Trưởng ban An toàn giao thông, thành viên tâm huyết trong Hội đồng Hòa giải của xã 17 năm liền, có nhiều đóng góp trong công tác hòa giải hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tích cực tuyên truyền đến bà con truyền thống của địa phương, vận động mọi người cùng chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Hạt nhân trong phong trào xây dựng cuộc sống mới

Tham gia cách mạng năm 1961, tại chiến trường nước bạn - thượng Lào, đến năm 1967, ông trở về nước và lại vào miền Nam tham gia chiến dịch Khe Sanh - Đường 9 Nam Lào, mở đường vào cứ điểm làng Vây - con đường huyền thoại của chiến dịch với nhiệm vụ Chính trị viên, Phó Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7 - đại đội được phong tặng anh hùng đầu tiên của binh chủng công binh.

Khi chiến dịch Đường 9 Nam Lào kết thúc, ông được cử đi học chính trị 6 tháng và được điều về Trung đoàn 229, Bộ Tư lệnh công binh và được vinh dự tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972 với cương vị là Chính trị viên phó tiểu đoàn. Sau khi ta giải phóng Thành cổ Quảng Trị, địch chủ trương lấy lại thành cổ, vì vậy chúng đã tập trung binh lực lớn trong chiến dịch 81 ngày đêm.

Ông lúc ấy là chỉ huy một đại đội làm công tác xây dựng trận địa cho bộ binh, nhưng vì bộ binh đang thiếu nhân lực nên trên bổ sung đại đội của ông vào lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu. Không may, đại đội bị địch pháo kích, ông bị thương và bị nhiễm chất độc hóa học 3 lần, đến nay mảnh pháo năm ấy vẫn còn nằm trong cơ thể hành hạ ông những lúc trái gió trở trời và chất độc hóa học đến giờ vẫn còn ảnh hưởng đến thần kinh của ông…  

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, năm 1985 ông chuyển ngành sang công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy và năm 1991 ông về nghỉ hưu. Từ đó đến nay, ông đã 12 nhiệm kỳ làm Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường Hiệp Thành, 12 năm làm Hội thẩm Nhân dân Tòa án Nhân dân Thủ Dầu Một, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. 5 năm liền được Tòa án Nhân dân tối cao tặng bằng khen…

Trong những năm tháng nghỉ hưu, tham gia công tác tại địa phương, ông là người có công lớn trong việc xây dựng khu phố 1 thành khu phố văn hóa nhiều năm liền, riêng gia đình ông nhiều năm liền được biểu dương là gia đình thương binh kiểu mẫu. Không chỉ bản thân và gia đình gương mẫu đi đầu mà ông còn tích cực vận động mọi người tham gia phong trào từ thiện xã hội như góp vốn, tặng quà, vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo, tặng tập vở cho học sinh nghèo…. Ông tên Đặng Ngọc Bích (SN 1943), thương binh 4/4, CCB hiện ngụ tại khu phố 1, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một.

Xây dựng khu phố văn minh, sạch đẹp

Là một giảng viên giàu kinh nghiệm với hơn 30 năm giảng dạy, từng là trưởng bộ môn, trưởng khoa cầu đường vượt sông của trường Sĩ quan Chi huy kỹ thuật công binh, dù trong thời chiến hay thời bình, ông luôn lấy phương châm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm nhiệm vụ hàng đầu… Đó là những đóng góp của nguyên đại tá Võ Công Lý (SN 1948), nay là Chủ tịch Hội CCB phường Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một).

Nhập ngũ và tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1967 đến năm 1972, ông đã từng tham gia phục vụ, chiến đấu trong nhiều chiến dịch quan trọng của quân ta vào thời điểm lúc bấy giờ như chiến trường đường Trường Sơn, Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào với vai trò là lính công binh mở đường, một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm. Trong lúc làm nhiệm vụ, nhiều lần ông đã đụng độ với “Pháo đài bay” B52 trải thảm với nhiều tình huống thập tử nhất sinh. Ông cho biết, có lẽ do số mình quá may mắn khi chỉ bị thương nhẹ sau nhiều nhiệm vụ nên vẫn còn sống được đến giờ.

Đến năm 1972, ông được rút từ chiến tuyến về để học tập tại trường Sĩ quan Chi huy kỹ thuật công binh. Sau khóa đào tạo, ông trở thành giảng viên của trường và đã đóng góp hơn 30 năm giảng dạy để đào tạo ra các chiến sĩ công binh cho Tổ quốc. Nghỉ hưu với quân hàm đại tá, chuyển sinh hoạt về địa phương năm 2006, ông trúng cử chức Phó Chủ tịch Hội CCB phường Hiệp Thành. Đến năm 2012, ông giữ chức Chủ tịch Hội CCB đồng thời là Phó Bí thư Chi bộ khu phố 5 của phường.

Giữ gìn và phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, một đảng viên quân đội gương mẫu, trong quá trình tham gia sinh hoạt tại địa phương, ông luôn đi đầu trong công tác hội, là một tấm gương để lớp trẻ noi theo, nhất là trong công tác hòa giải, tuyên truyền cho giới trẻ về lịch sử truyền thống cách mạng của đất nước và địa phương. Thời gian qua, ông đã nhiều lần vận động các Mạnh Thường Quân ủng hộ để sửa chữa nhà cho các thương binh, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn trong hội. Vận động cho các hội viên vay số tiền gần 600 triệu đồng không tính lãi từ nguồn vốn quỹ và cá nhân nhằm giúp các hội viên phát triển kinh tế cùng nhau vượt qua khó khăn. Đặc biệt, ông nổi bật trong công tác vận động quần chúng nhân dân góp sức làm đường. Nhiều tuyến đường do Hội CCB phường quản lý luôn an toàn và xanh - sạch - đẹp. Riêng gia đình ông đã đóng góp hơn 300m2 đất để làm đường giao thông cho khu phố…

 BÌNH MINH - THÙY DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên