21 giờ một ngày giữa tháng 3, chị Đoàn Thị Hà, quê tỉnh Sóc Trăng bồng bế 2 đứa con nhỏ lên gõ cửa chủ nhà trọ xin khất tiền thuê trọ. Cũng giờ này, lẽ ra Đoàn Văn Phụng, quê tỉnh Đắk Lắk nhân viên giao hàng Grab đã tìm đến tiệm game cùng với bạn, nhưng nay đành thu mình trong căn trọ cùng chiếc điện thoại. Còn Nguyễn Ngọc Hữu, quê tỉnh An Giang sau giờ tăng ca tìm sang phòng đứa em gái để ăn cơm chung, không còn ra quán như trước... Những người lao động (NLĐ) mà tôi từng biết đang tìm cách “thắt lưng, buộc bụng” để vượt qua những ngày khó khăn khi vật giá leo thang.
Khi vật giá leo thang, NLĐ tìm cách “thắt lưng, buộc bụng” để vượt qua giai đoạn khó khăn
Sẻ chia với người ở trọ
Đêm đến, dọc tuyến đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một và nhiều tuyến phố khác vẫn sáng rực ánh đèn, nhộn nhịp kinh doanh. Tuy nhiên, ẩn sâu trong các khu nhà trọ là nhiều công nhân lao động đang gặp khó khăn khi sau tết giá xăng liên tục tăng khiến vật giá tăng theo. Anh Nguyễn Văn Hải, chủ khu nhà trọ trên đường Lê Hồng Phong chia sẻ: “Lẽ ra tôi định tăng giá nhà trọ từ 800.000 lên 1 triệu đồng/phòng sau tết. Tuy nhiên, khi nhìn thấy vật giá liên tục tăng, người ở trọ khó khăn nên không đành. Như mẹ con chị Hà, cả nhà trông chờ vào tiền lương công nhân của chồng, mỗi tháng chừng 10 triệu mà chi bao nhiêu thứ như xăng xe, tiền nhà, điện nước, tiền ăn thì làm sao đủ chi. Vậy đó, nên cứ đến hạn trả tiền phòng là thiếu trước hụt sau. Thôi kệ, lúc nào có thì trả, chứ lúc này khó khăn, mình phải thông cảm”.
Cả tháng nay Đoàn Văn Phụng đành gác lại thú vui là đến tiệm game khi đêm đến. Phụng chia sẻ: “Thay vì mê đi cà phê, ăn uống như bạn bè thì em thích chơi game, mỗi tối chỉ mất vài chục tiền máy, nhưng đã lâu em không chơi. Phải tiết kiệm từng đồng để lo tiền ăn, nhà trọ nữa anh ạ, công việc bây giờ khó khăn quá”. Bản thân đã có kinh nghiệm chạy Grab giao hàng nhiều năm, luôn hoàn thành công việc xuất sắc, nhưng những ngày xăng liên tục tăng giá, Phụng vẫn bị cắt mỗi tháng 3 triệu tiền lương như 100 đồng đồng nghiệp của mình. “Công ty cho biết nay đơn hàng ít, không đủ chi phải hạ lương anh ạ. Trước tụi em siêng chạy, mỗi tháng kiếm được 15 triệu, trừ tiền xăng còn khoảng hơn 13 triệu. Nay mỗi ngày chạy hết hơn 70.000 đồng tiền xăng, bị trừ thêm 3 triệu tiền lương, nên có siêng cày vẫn không được 10 triệu/tháng. Mỗi tháng em phải gửi tiền về quê cho mấy đứa em đi học, tiền thuê nhà thì làm sao dám tiêu xài”, Phụng chia sẻ.
Còn Nguyễn Ngọc Hữu chia sẻ: “Em vừa chuyển việc sau tết, nên tháng đầu tiên chỉ nhận được lương thử việc vài triệu, hết tháng 3 này em mới nhận đủ lương. Mấy tháng nay em sống nhờ đứa em gái, chưa gửi được cho vợ con đồng nào. May chị chủ trọ thương, đang cho thiếu tiền trọ chứ không không biết lấy đâu ra tiền mà trả”.
Thấu hiểu nỗi khổ của NLĐ động sau ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, chưa kiếm được tiền trang trải thì nay hứng chịu vật giá leo thang, rất nhiều chủ trọ trên địa bàn chủ động không tăng giá nhà trọ. Bà Thái Thị Kim Anh, chủ khu nhà trọ Kim Anh ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ: “Giúp nhau trong hoạn nạn thì mới quý nhau về sau. Bây giờ dịch bệnh hoành hành, đi làm bữa được bữa mất, vật giá tăng cao thì công nhân lao động lấy đâu ra tiền mà sinh hoạt như trước. Với những người có con nhỏ lại càng khó khăn gấp bội, bao thứ phải chi tiêu”.
Thông cảm với người ở trọ, trong đợt cao điểm dịch bệnh thứ 4 vừa qua, bà Kim Anh miễn tiền thuê trọ cho người ở trọ trong nhiều tháng liền. Hiện nay, tùy vào hoàn cảnh của từng người, bà lại cho nợ tiền phòng, giảm giá thuê phòng mỗi tháng vài trăm ngàn đồng. “Ai cũng khó khăn, chủ trọ cũng vậy. Nhưng dù sao mình vẫn khá hơn nhiều so với người ở trọ. Những lúc bà con gặp khó, mình thu về đủ trang trải là được”, bà Kim Anh nói.
Cùng vào cuộc
Trong thời buổi NLĐ gặp khó, dè sẻn về chi tiêu thì sức mua tại nhiều khu chợ trên địa bàn cũng giảm đáng kể. Tại chợ Bình Điềm, phường phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, giá các mặt hàng nhu yếu phẩm nhìn chung vẫn đang bình ổn so với trước tết. Anh Vũ Văn Chính, người kinh doanh gạo ngay trước cổng chợ chia sẻ: “Chỉ có cám và bắp là tăng giá rất cao, còn gạo có tăng nhưng không đáng kể, chỉ vài trăm đồng/kg. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ tính giá tăng thêm với những người mua sỉ, mua với số lượng lớn, còn với công nhân lao động mua lẻ 5 hoặc 10kg chúng tôi không tăng giá, chấp nhận lãi ít. Chúng tôi hết sức thông cảm với công nhân lao động khi hứng chịu dịch bệnh nay lại quay sang “bão giá”, bao khó khăn dồn dập. Khi nào giá gạo tăng từ 1.000 đồng/kg trở lên chúng tôi mới điều chỉnh giá phù hợp”.
Anh Vũ Văn Chính chấp nhận lãi ít, không tăng giá gạo
Còn anh Thái Văn Lộc, người kinh doanh gà sống tại khu chợ này cho biết giá gà sống đã tăng khoảng 4.000 đồng/kg, nhưng gia đình anh vẫn chấp nhận lãi ít, bán với giá cũ so với trước tết. “Mình kinh doanh, sống được cũng nhờ khách hàng. Ở khu chợ này, đa phần tiểu thương đều quan niệm như thế vì đa số khách hàng là công nhân nên chúng tôi thống nhất không tăng giá chứ không phải lợi dụng việc xăng, dầu tăng giá rồi quay sang đẩy giá lên, như thế là chết bà con”.
Hiện tại, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi các gói hỗ trợ dịch bệnh Covid-19 của tỉnh cũng như Chính phủ không còn, NLĐ chỉ trông chờ vào hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nguồn xã hội hóa từ địa phương sở tại. Các xã, phường trong tỉnh cũng đang tìm cách sẻ chia với NLĐ. Mới đây, trong những ngày vận động bà con trên địa bàn đi tiêm mũi 3 vắc xin ngừa Covid-19, UBND phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP.Thủ Dầu Một tặng 3 tấn gạo cho NLĐ ở trọ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi 5kg. UBND phường Tân Bình, TP.Dĩ An phối hợp Hội Chữ thập đỏ thành phố trao 200 phần quà gồm gạo, mì tôm và các nhu yếu phẩm khác cho người dân, công nhân lao động gặp khó. Một số xã, phường khác trên địa bàn cũng đang vận động, hướng về NLĐ.
Ông Nguyễn Văn Yêm, Chủ tịch UBND phường Tân Bình chia sẻ, trong cao điểm dịch bệnh và tết, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho công nhân lao động rất nhiều, nên đến giờ này nguồn đã cạn dần. Tuy nhiên, quan điểm của địa phương là không để bất cứ một người dân nào trong phường phải chịu cảnh “cơm không có ăn, áo không có mặc”. “Trước khó khăn chung về vật giá leo thang, địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá tại các khu chợ có đông công nhân lao động. Vận động chủ nhà trọ không tăng giá tiền thuê trọ, thậm chí giảm tiền thuê trọ cho những gia đình thật sự khó khăn, được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Thông qua cán bộ khu phố, chủ nhà trọ, UBND phường ghi nhận danh sách những người khó khăn thật sự, qua đó tiếp tục vận động để giúp đỡ”, ông Yêm nói.
Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp Công đoàn cơ sở làm việc với chủ doanh nghiệp để có hướng giúp NLĐ tốt hơn trong những ngày tới như hỗ trợ thêm tiền xăng xe đi lại, tiền phụ cấp cho những gia đình có con nhỏ, bệnh đau và các loại phụ cấp khác khi NLĐ bị nhiễm Covid-19 không thể đến nhà máy làm việc trong thời gian điều trị tại nhà... |
QUANG TÁM