Chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình, nhưng nỗi đau, mất mát mà chiến tranh để lại không gì bù đắp được. Dẫu biết chiến tranh nghiệt ngã nên việc sinh tử là điều không tránh khỏi, nhưng người mẹ nào chẳng đau xé lòng vì những người con, người chồng ra đi mãi mãi. Đối với mẹ Lê Thị Năm (SN 1922) tại phường Bình An, TX.Dĩ An dù vẫn nhớ thương chồng, con nhưng mẹ lại cảm thấy tự hào vì những người thân yêu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, góp phần cho cuộc sống độc lập, hòa bình có được như hôm nay.
Mẹ Lê Thị Năm lớn lên trên mảnh đất Bình Chánh (TP.HCM). Chồng mẹ, ông Nguyễn Văn Sến cũng là người cùng quê. Hai vợ chồng mẹ sống với nhau rồi sinh con đẻ cái trong cái cảnh nghèo khó, nhọc nhằn. Sau đó, mẹ chuyển về sống tại Đông Hòa (TX.Dĩ An).
Khi phong trào cách mạng nổi lên tại Đông Hòa, vợ chồng mẹ hết lòng ủng hộ cách mạng với mong ước miền Nam sớm được giải phóng, con cái có tương lai.
Mẹ đã đào hầm bí mật, nuôi bệnh binh, che giấu bộ đội dưới hầm giữa nhà tại Đông Hòa. Riêng chồng mẹ, ông hoạt động bí mật nên thời gian ông bôn ba bên ngoài còn nhiều hơn ở nhà. Lúc này, đôi vai mẹ gánh vác trọng trách thay chồng nuôi các con thơ. Dù cuộc sống muôn vàn khó khăn nhưng mẹ luôn mỉm cười để chồng vững tin. Chị Nguyễn Thị Nữ, con gái mẹ kể, khi còn nhỏ chị thường được ba dẫn đi theo mỗi khi hoạt động mật. Nhiều hôm ba gánh cơm, mang thuốc vào rừng sâu cho các chú bộ đội. Trong lúc đi, gặp lính ngụy, ba ôm chị nép sát vào cây và nhắc con cẩn thận.
Thừa hưởng tinh thần cách mạng của ba mẹ, các con trai mẹ cũng lần lượt lên đường tham gia cách mạng. Chúng tôi nghe mẹ kể, anh Nguyễn Văn Bé con đầu của mẹ hoạt động và bị địch bắt tù đày. Dù bị tra tấn, đánh đập nhưng anh vẫn một lòng trung thành với cách mạng. Người con thứ 5, anh Nguyễn Văn Năm tham gia làm giao liên từ lúc 16 tuổi. Đến năm 18 tuổi (tức năm 1969), anh hy sinh tại Bình Chánh trong lúc làm nhiệm vụ. Sau đó, gia đình mẹ nhận được giấy báo tử, anh hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước ngày 23-11-1969.
Hai năm sau khi anh Năm hy sinh, giặc càn vào nhà để bắt cán bộ đang ẩn trong nhà mẹ tại Đông Hòa. Lúc này, mẹ đưa các con xuống hầm trú ẩn. Chồng mẹ ở lại đánh lạc hướng quân ngụy để cán bộ trốn thoát. Tình nghi ông che giấu cán bộ, chúng bắn chết ông trong chính ngôi nhà mình. Chị Nữ rơi nước mắt nhớ lại: “Ở dưới hầm chúng tôi nghe tiếng giặc đi lại trên nhà, chúng nổ súng, đập phá nhưng mẹ không cho lên xem. Một lúc sau, không còn nghe tiếng động, chúng tôi lên thì thấy ba đã hy sinh trước nắp hầm”. Ngay sau khi ba mất, gia đình được nhận giấy báo tử với dòng chữ “Cơ sở cách mạng. Đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”. Hiện hài cốt ông được đưa về chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ TX.Dĩ An.
Chị Nguyễn Kim Duyên, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX.Dĩ An cho biết, trong tháng 8-2014, TX.Dĩ An có thêm 3 mẹ được phong tặng nâng tổng số mẹ Việt Nam anh hùng còn sống lên 6 mẹ. Đối với các mẹ Việt Nam anh hùng, Phòng LĐ-TB&XH và các đoàn thể trong thị xã đã vận động doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhận phụng dưỡng suốt đời; lập hồ sơ cấp thẻ khám bệnh trung cao. Bên cạnh việc thực hiện các chế độ chính sách, các hoạt động thăm nom, chăm sóc các mẹ Việt Nam anh hùng, phòng đang lập hồ sơ chế độ cho người nuôi dưỡng các mẹ được hưởng chế độ và thẻ bảo hiểm.
ĐỖ TUÂN