Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Cập nhật: 30-12-2016 | 07:56:48

Bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) góp phần ổn định và nâng cao chất lượng dân số. Trong thời gian qua, Bình Dương đã triển khai và thực hiện có hiệu quả đề án bảo đảm cân bằng GTKS. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiên tốt mục tiêu giảm mất cân bằng GTKS cần có nhiều giải pháp hơn nữa...

 Để bảo đảm GTKS, không nên lựa chọn giới tính thai nhi. Ảnh: C.LÝ

Triển khai thực hiện đề án

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch hoạt động đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS, Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu Sở Y tế trình UBND ban hành Quyết định 3070/QĐ-UBND ngày 17-10-2011 về việc phê duyệt đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015. Mục tiêu của đề án nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới ổn định, cân bằng GTKS.

Sau 5 năm triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh đã có 9/9 huyện, thị, thành phố được triển khai đề án với các hoạt động cung cấp thông tin cho cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp và những người có uy tín thông tin hiểu biết về hậu quả của mất cân bằng GTKS. 100% cộng tác viên, cán bộ y tế của 91 xã, phường, thị trấn được tập huấn về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động người dân nhằm giảm thiểu mất cân bằng GTKS. Các nội dung tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng GTKS còn được lồng ghép vào chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cộng tác viên DS-KHHGĐ mới và cũ hàng năm. Qua triển khai thực hiện đề án hàng năm đã đạt kết quả khả quan, tỷ số GTKS giảm mạnh từ mất cân bằng GTKS ở mức 111 bé trai/100 bé gái năm 2011 xuống mức bình thường là 106,3 bé trai/100 bé gái năm 2014 và năm 2015 là 105,8 bé trai/100 bé gái. Thực hiện vượt mục tiêu chiến lược đề ra là giảm tốc độ tăng tỷ số GTKS 4,2 điểm % (mục tiêu chiến lược là đưa tỷ số GTKS ở mức 110 bé trai/100 bé gái vào năm 2015).

Có thể nói, việc lựa chọn giới tính thai nhi gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm cân bằng GTKS và sự phát triển bền vững của giống nòi. Xác định được tầm quan trọng đó, năm 2003, Pháp lệnh Dân số quy định tại Khoản 2, Điều 7 “Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức (tư vấn, chẩn đoán giới tính của thai nhi, phá thai...)”. Tiếp đó, quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi được Chính phủ đưa ra ngày 16-9-2003 trong Nghị định số 104/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số. Theo đó, mọi hành vi như phổ biến các biện pháp tạo giới tính, chẩn đoán GTKS bằng xét nghiệm máu, siêu âm, hoặc loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý. Ngày 3-10-2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em. Tại Điều 1 của nghị định quy định rõ “Lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật về dân số và trẻ em và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại nghị định này”.

Giảm các hình thức lựa chọn giới tính

Dù nguồn nhân lực và kinh phí còn hạn chế, nhưng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng có nhiều cố gắng trong việc giảm thiểu các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi trên địa bàn. Trong thời gian qua, chi cục đã phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tổ chức 4 đợt kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất tại 107 lượt cơ sở y tế tư nhân có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai về thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Bên cạnh đó, chi cục còn phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức 4 đợt kiểm tra, giám sát tại 171 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại sách, báo, văn hóa phẩm liên quan đến vấn đề lựa chọn GTKS nhằm giám sát việc thực hiện tốt chủ trương giảm thiểu các hình thức can thiệp làm mất cân bằng GTKS. Bác sĩ Nguyễn Văn Thấm, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho rằng, để kiểm soát tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi trong các cơ sở khám chữa bệnh là một việc tương đối khó. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn giới tính thai nhi thì chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Trong thời gian tới, chi cục sẻ tiếp tục tham mưu để hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác thanh tra, kiểm tra để hạn chế thấp nhất những người vi phạm.

Cũng theo bác sĩ Thấm, để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu giảm mất cân bằng GTKS, góp phần nâng cao chất lượng dân số để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn 2016-2020 cần tiếp tục tăng cường sự cam kết của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo, điều hành công tác DS-KHHGĐ; tăng cường công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ sâu rộng trong cộng đồng về cả hình thức và nội dung để làm chuyển đổi nhận thức của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ khuyến khích thực hiện mỗi gia đình nên có 2 con, đồng thời tuyên truyền xóa bỏ dần quan niệm trọng nam - khinh nữ để tránh gây mất cân bằng GTKS trong thời gian tới. Song song đó, cần tập trung vào các nội dung: Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các trang thông tin điện tử, các công ty phát hành sách, báo; nghiêm cấm các đơn vị này tuyên truyền, hướng dẫn lựa chọn giới tính thai nhi dưới bất kỳ hình thức nào theo quy định của pháp luật...

 Theo báo cáo thống kê chuyên ngành, ước đến 31-12- 2016, tổng số trẻ sinh ra trên địa bàn tỉnh là 22.632 trẻ, trong đó có 11.537 nam và 11.095 nữ. Như vậy, tổng số trẻ sinh ra giữa nam và nữ tương đối ổn định. Tỷ số GTKS của tỉnh năm 2016 là 104 bé trai/100 bé gái.

 

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết
Tags
GTKS

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=666
Quay lên trên