Chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương trong 7 tháng năm 2024 tăng 5,74% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như sản phẩm gỗ, hàng dệt may, hàng giày da, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết để mở rộng giao thương quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu mới.
Nhiều doanh nghiệp (DN) đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua các kênh bán hàng trực tuyến trên toàn cầu, cùng với các giải pháp trọng tâm được tỉnh Bình Dương triển khai đồng bộ, quyết liệt, kỳ vọng tiếp sức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đạt được những kết quả khởi sắc trong 7 tháng qua.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương có khoảng 9.000 DN hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó DN vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 25% số lượng DN hoạt động công nghiệp và chiếm trên 57% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhằm tiếp tục giữ vững tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh Bình Dương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Năm 2024, tỉnh Bình Dương xác định thúc đẩy ngành công nghiệp tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng. Trong đó, tỉnh phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7%. Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước nói chung, của tỉnh Bình Dương nói riêng vẫn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của những biến động khó lường của tình hình thế giới, để đạt được mục tiêu nói trên là thách thức không nhỏ. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ cộng đồng DN, tiếp tục đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
TRIẾT NHÂN