Nỗ lực hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

Cập nhật: 09-03-2024 | 06:04:11

Năm 2024, Bình Dương nỗ lực phát triển thêm hơn 6.700 doanh nghiệp (DN). phấn đấu hoàn thành mục tiêu toàn tỉnh có 80.000 DN vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bình Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, DN và các nhà đầu tư.

Khởi sắc đầu năm

Niềm vui, khí thế mới đang thể hiện tại nhiều DN trên địa bàn tỉnh khi đơn hàng quay trở lại. Đây là tín hiệu tích cực, kỳ vọng sản xuất, xuất khẩu khởi sắc hơn trong năm 2024. Bà Dương Thị Tú Trinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Thiện, cho biết công ty đã bắt nhịp lại hoạt động sản xuất và tăng tuyển lao động trong những tháng cuối năm 2023. Hiện DN đã có đủ đơn hàng cho đến hết quý I-2024, bảo đảm việc làm cho nhân công và xuất khẩu khoảng 100 container hàng/tháng.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), nhận định thị trường gỗ đang phục hồi trở lại khi tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ đạt 1,5 tỷ đô la Mỹ, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện đơn hàng tại nhiều DN đã phục hồi tới 90%, có nhiều DN đã có đơn hàng đến tháng 5-2024.

Bình Dương tạo điều kiện tối đa để DN phát triển bền vững. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Sữa Việt Nam Vinamilk Bình Dương

Khí thế lạc quan đầu năm đã mang lại cho DN niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD). Minh chứng là số DN thành lập mới và số DN quay trở lại hoạt động ngay trong 2 tháng đầu của năm 2024 đã tăng lên. Theo ghi nhận của Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, DN thành lập mới từ ngày 1-1 đến 29-2- 2024 tăng cả về số DN lẫn số vốn đăng ký. Cụ thể, thành lập mới 975 DN (tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2023), với số vốn đăng ký thành lập hơn 11.903 tỷ đồng (tăng 47,5% so với cùng kỳ năm 2023). Vốn đăng ký bình quân trên một DN trong kỳ là 5,76 tỷ đồng, tăng 20,41% so với cùng kỳ năm 2023 (4,78 tỷ đồng).

Vượt lên những khó khăn, thách thức, năm 2023, tổng số vốn đăng ký của DN trong nước vào Bình Dương đạt trên 96.259 tỷ đồng (tương đương gần 4 tỷ đô la Mỹ). Trong đó, có 7.006 DN đăng ký thành lập mới (tăng 9,3% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 51.571 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ); 1.679 DN điều chỉnh tăng vốn với vốn tăng thêm gần 55.729 tỷ đồng. Như vậy, đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Bình Dương thu hút vốn đầu tư trong nước cao hơn vốn FDI.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 67.077 DN đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký hơn 738.751 tỷ đồng. Theo kế hoạch chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của DN Nhà nước, đến hết năm 2025 Bình Dương đạt 80.000 DN, đến nay tỉnh đạt trên 84% kế hoạch.

Tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, khơi thông những điểm nghẽn để hạn chế thấp nhất số DN phải rút lui khỏi thị trường, cũng như giúp duy trì, phát triển SXKD trong năm 2024. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, tạo đà phát triển cho cả giai đoạn. Tiếp tục kiên trì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng DN…

Đồng hành cùng DN

Theo kế hoạch của UBND tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024. Bình Dương phấn đấu tiếp tục trở thành điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, DN, các nhà đầu tư.

Trong năm 2024, tỉnh tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thích ứng với xu thế phát triển, tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Trong đó, phấn đấu số lượng DN đăng ký thành lập mới trong năm đạt 6.744 DN; giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức cho DN và người dân.

Theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện bên cạnh những giải pháp nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, tỉnh đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới chính quyền số, hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững. Cụ thể, với Sở Kế hoạch và Đầu tư, để chủ động hơn nữa trong công tác nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, sở đã ứng dụng chuyển đổi số, tích cực tuyên truyền các chính sách hỗ trợ phục hồi SXKD sau đại dịch. Sở cũng thành lập nhóm Zalo với cộng đồng DN, đến nay có khoảng 400 DN tham gia. Thông qua đó, đã tiếp nhận và phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết những phản ánh, kiến nghị của cộng đồng DN.

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chịu nhiều biến động khó lường, các DN vẫn nỗ lực để duy trì và từng bước khắc phục khó khăn, đẩy mạnh SXKD. Trong năm 2024, cùng với việc hỗ trợ và tạo niềm tin cho DN, Bình Dương tiếp tục kiên định với mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh tiếp tục tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SXKD; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN phát triển bền vững.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=563
Quay lên trên