Nỗ lực phát triển đô thị xứng tầm

Cập nhật: 09-01-2020 | 08:28:48

Trong những năm qua, cùng với tiến trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cũng tập trung phát triển đô thị. Hiện tỉnh đang xây dựng đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống người dân.

 Một góc trung tâm đô thị Thủ Dầu Một. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Đạt nhiều kết quả tốt

Năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 80,17%, dự kiến năm 2020 đạt 82%. Công tác quy hoạch đô thị cũng được tỉnh quan tâm thực hiện; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh phủ kín quy hoạch, đạt tỷ lệ 100%.

Bên cạnh đó, thực hiện nâng cấp đô thị, tỉnh đã triển khai và bảo đảm thực hiện đúng lộ trình theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 1 đô thị loại I (TP.Thủ Dầu Một), 4 đô thị loại III (TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên), 5 đô thị loại V thuộc huyện (các thị trấn Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành; đô thị Tân Bình). Dự kiến trong năm 2020, tỉnh sẽ hoàn thành việc nâng loại 2 đô thị loại V để thành lập thị trấn Thanh Tuyền và thị trấn Lai Hưng.

Cùng với đó, tỉnh thực hiện các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với phát triển dự án nhà ở tại các đô thị hiện hữu, góp phần cải thiện diện mạo chung đô thị của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống người dân, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình, tỉnh điều chỉnh công năng các khu đất trước đây của các cơ quan Nhà nước để đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công viên cây xanh. Cụ thể như tại TP.Thủ Dầu Một, đã xây dựng hoàn thiện 65 công viên, hoa viên, đang tiếp tục triển khai 14 hoa viên; TX.Thuận An đưa vào sử dụng 3 công viên và dự kiến tiếp tục triển khai 5 dự án công viên, hoa viên…

Các trục giao thông mang tính liên kết vùng được tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện, như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Bàu Bàng - Phú Giáo - Bắc Tân Uyên, đường Thủ Biên - Đất Cuốc... Trong khi đó, hệ thống cấp nước sạch tiếp tục được đầu tư mở rộng phạm vi cấp nước sạch cho các đô thị. Đến nay, tỷ lệ người dân đô thị trong tỉnh được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 99,62%. Về nhà ở, từ năm 2016 đến nay, tỉnh có 255 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở với tổng diện tích 2.971 ha.

Về giáo dục, y tế, đến nay toàn tỉnh có 654 trường học và trung tâm giáo dục thường xuyên; mạng lưới trường lớp được quy hoạch tốt; có 284/385 trường, trung tâm hệ công lập được lầu hóa, đạt tỷ lệ 73,8%. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đầu tư xây dựng và thu hút các dự án về y tế như Bệnh viện 1.500 giường, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, Bệnh viện Quốc tế Becamex...

Phấn đấu sớm hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I

Theo Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trên cơ sở phân tích, đánh giá tổng hợp theo 59 tiêu chuẩn trong 5 tiêu chí của đô thị loại I, hiện Bình Dương đạt 82,34/100 điểm (quy định là 75/100 điểm và không có điểm liệt). Tuy nhiên, đối với tiêu chí số 3 - về mật độ dân số, hiện nay của tỉnh là 769 người/ km², chưa đạt so với quy định là trên 3.000 người/km².

Hiện có 43 tiêu chuẩn tỉnh đã đạt và vượt mức điểm tối đa, 8 tiêu chuẩn đã đạt nhưng vẫn còn thấp, 8 tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối thiểu, trong đó có 6 tiêu chuẩn không đạt nhưng không bị khống chế (gồm thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước; mật độ đường trong khu vực nội thị; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị/tổng số đường chính khu vực nội thị) và 2 tiêu chuẩn không đạt điểm, bị khống chế (gồm mật độ dân số đô thị tính trên diện tích đất tự nhiên; mật độ dân số khu vực nội thị tính trên diện tích đất xây dựng đô thị).

Để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng Bình Dương trở thành đô thị loại I, ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong thời gian tới sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ; thực hiện tốt các chương trình phát triển đô thị, chương trình đột phá đã đề ra. Sở cũng phối hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm, mang tính đột phá phát triển kinh tế - xã hội như: Tiếp tục triển khai công trình nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Tri Phương và tuyến nhánh Bàu Bàng - Văn Công Khai, đường trục chính Đông Tây, đường Đông Bắc 2 (TX.Dĩ An); nâng cấp mở rộng đường ĐT743 đoạn từ miếu Ông Cù đi cầu vượt Sóng Thần… để hoàn thiện các tiêu chuẩn đạt nhưng còn thấp và các tiêu chuẩn chưa đạt.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định trong năm 2020 tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động triển khai đề án phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017- 2020, đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng, sớm đưa các công tình vào sử dụng. Đối với các công trình chậm tiến độ, tỉnh sẽ sớm xác định nguyên nhân, có giải pháp tháo gỡ cụ thể để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, trong đó có nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư các công trình, dự án đô thị trên địa bàn tỉnh...

 Năm 2020, phấn đấu diện tích bình quân nhà ở toàn tỉnh đạt 30m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 82%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 90%; tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch đạt 99,62%.

 PHƯƠNG LÊ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=670
Quay lên trên