Với sự nỗ lực từ các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp (DN), tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh đang từng bước khôi phục, tốc độ xuất khẩu đang dần tăng trưởng trở lại…
Sản xuất tại Công ty TNHH Taisei Bijutsu Printing (TX.Bến Cát)
Xuất khẩu giữ đà tăng trưởng
Tháng 8, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 2,696 tỷ đô la Mỹ, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,971 tỷ đô la Mỹ, tăng 14% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại trong 8 tháng đạt 3,8 tỷ đô la Mỹ. Những con số này cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đang dần có dấu hiệu phục hồi.
Trong tình hình chung đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã có sự tăng trưởng trở lại. Tháng 8-2020, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 500,5 triệu đô la Mỹ, tăng 5,1% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,906 tỷ đô la Mỹ, tăng 7,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 340,8 triệu đô la Mỹ, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,926 tỷ đô la Mỹ, tăng 0,8% so với tháng trước, chiếm tỷ trọng 11,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặt hàng giày dép cũng đã có dấu hiệu phục hồi tốt khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt 223,7 triệu đô la Mỹ, tăng 12,3% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,356 tỷ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng 8,0% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có những tín hiệu tích cực. UBND tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với sự ấm lên của thị trường xuất khẩu, thị trường lao động của tỉnh đã có thay đổi theo chiều hướng tích cực. Một số DN sản xuất về may mặc, chế biến gỗ, gốm sứ, điện tử đã quay trở lại thị trường tuyển dụng với số lượng lớn lao động. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tháng 8-2020, các DN ở Bình Dương đang có nhu cầu tuyển dụng 13.379 lao động. Trong đó, lao động chuyên môn cần tuyển 3.392 vị trí, lao động phổ thông cần tuyển 9.987 vị trí.
Hiện nay một số công ty sản xuất đang có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm lao động. Công ty TNHH Minh Long I cần tuyển 500 lao động, Công ty Yazaki cần tuyển 1.000 lao động. Công ty Sharp Manufacturing Việt Nam đang cần tuyển 2.000 lao động trong lĩnh vực điện tử nay đến cuối năm. Công ty Kurabe Việt Nam cần tuyển 400 lao động sản xuất trong lĩnh vực vật liệu cách điện. Công ty Showa Gloves sản xuất bao tay đang có nhu cầu tuyển 400 lao động từ nay đến tháng 9-2020… Đây tiếp tục là những con số tiềm năng cho sự phục hồi kinh tế của tỉnh, giữ vững mục tiêu tăng trưởng năm 2020.
Tích cực hỗ trợ DN
Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến những thị trường xuất khẩu lớn của Bình Dương như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU... đều thực hiện các biện pháp giãn cách, cách ly, phong tỏa dẫn tới các nhà máy có giao thương với DN tại Bình Dương đều ngừng hoạt động. Dù đã đạt mức tăng trưởng trở lại nhưng các DN vẫn đang rất lo ngại về khoảng thời gian phía trước vì áp lực thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu vẫn đang rất gay gắt.
Trong khi đó, “sức khỏe” của các DN vẫn chưa thể trở lại như trước đại dịch nên sức chống chịu “mỏng”, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Theo Hiệp hội Dệt may tỉnh, đến nay các đơn hàng dài hạn rất ít trong khi khẩu trang và đồ bảo hộ đã giảm mạnh cả về giá và sản lượng do dư thừa nguồn cung trên thế giới. Giải pháp bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại khả năng sẽ khó đem lại hiệu quả như mong muốn.
Các DN kiến nghị Chính phủcần cho rà soát lại các gói hỗ trợ trong bối cảnh làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ hai để nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ vướng mắc một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, các cấp các ngành cần mở rộng những gói hỗ trợ về thời gian, thời hạn và cả đối tượng cần hỗ trợ. Nhất là các ngân hàng, cần tiếp tục xem xét cho giãn, hoãn các khoản thu, hỗ trợ DN có đủsức chống chịu dịch bệnh khi nguồn lực đã cạn kiệt thay vì áp dụng đánh giá nợ xấu của DN theo tiêu chí như hiện nay.
Trước thực tế này, tỉnh yêu cầu các đơn vị quản lý, tổ chức tín dụng tiếp tục nghiên cứu giảm, giãn thuế, giảm lãi suất vốn vay cho DN để giảm bớt khó khăn, tạo thêm tiềm lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm. Trong dài hạn, để tạo điều kiện cho các DN, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số4169/UBND-KT ngày 27-8-2020 vềchủtrương cho gia hạn thời gian thuê nhà xưởng của các dự án sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phía nam tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh thống nhất về chủtrương cho gia hạn thời gian thuê nhà xưởng của các dự án sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phía nam của tỉnh gồm TP.Thuận An, Dĩ An, ThủDầu Một đến ngày 31-12-2025 đối với các dự án đáp ứng các quy định về đất đai, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và nhà đầu tư phải có phương án cụ thể để di dời hoặc chuyển đổi công năng đúng lộ trình, phù hợp với quy hoạch, định hướng đầu tư phát triển của tỉnh.
TIỂU MY