Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cùng với sự hối hả, nhộn nhịp trong mùa tết, những người nông dân “chân lấm tay bùn” cũng đang tất bật chăm bón những bông cải, vườn hoa để kịp thu hoạch bán tết, với mong muốn một vụ mùa bội thu, bù đắp một phần khó khăn, mất mát sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua.
Bà Mai Thị Phụng phấn khởi khi giá cây bạc hà đang dần ổn định trở lại vào dịp cuối năm
Thận trọng vụ hoa
Rút kinh nghiệm từ vụ hoa tết năm 2021, cũng như diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, nhìn chung các nhà vườn đã có sự cẩn trọng cho việc đầu tư xuống giống vụ tết 2022. Ở hầu hết các cánh đồng hoa trên địa bàn tỉnh, dễ dàng nhận thấy người nông dân đã có sự tính toán kỹ cho mùa hoa năm nay. Bên cạnh một số ít các loại hoa kiểng dài ngày, tốn công chăm sóc, thì cúc, thọ và mồng gà là các loại hoa chiếm phần lớn diện tích gieo trồng. Trong đó, thọ và mồng gà là hai loại được nhà vườn trồng nhiều hơn cả.
Ông Trần Thanh Mai (ngụ phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) cho biết: “Hiện tôi đang thuê một khu đất hơn 1.200m2 để trồng hoa bán tết. Năm ngoái, tôi trồng khá nhiều loại hoa, nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển, tiêu thụ khó khăn. Đến cuối vụ thu hoạch, may mắn là không bị lỗ vốn. Rút kinh nghiệm, năm nay gia đình chúng tôi chỉ đầu tư vào trồng một loại hoa duy nhất là hoa mồng gà. Do giống này dễ trồng, dễ chăm sóc và vận chuyển, đây cũng là loại hoa được nhiều người ưa chuộng vì đẹp và giá cả phải chăng”.
Tương tự ông Mai, ông Nguyễn Thành Danh (ngụ phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một), cho biết gia đình ông có truyền thống trồng thọ mùa tết. Năm 2021 gia đình gặp khó khăn khi phải đến những ngày cuối cùng của năm cũ, số lượng hoa mới bán được. Tuy nhiên, những tháng gần đây, nhận thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 đang dần khả quan nên gia đình mạnh dạn tiếp tục đầu tư xuống giống cho hơn 2.000m2 đất để trồng thọ. Hiện hoa cũng đã đi vào giai đoạn thu hoạch. Hy vọng, gia đình ông sẽ có một vụ mùa bội thu...
Ghi nhận cho thấy, tuy không rộn ràng như những năm trước, nhưng hiện nay, các thương lái cũng đã bắt đầu liên hệ các chủ vườn để ngã giá và đặt hàng. Đây thật sự là một tín hiệu vui cho các hộ nông dân trồng hoa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. “Với hơn 2.000 chậu mồng gà, nếu thương lái trả được giá, gia đình tôi sẽ kiếm được hơn 50 triệu đồng. Đây cũng là số tiền không nhỏ trong giai đoạn khó khăn này…”, ông Trần Thanh Mai hồ hởi nói.
Vườn hoa mồng gà của người dân chuẩn bị cho mùa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một
Khấp khởi vụ rau
Không giống người trồng hoa tết, thời gian qua, các hộ trồng rau, nhất là rau sạch, organic có thu nhập thường xuyên và ổn định hơn. Do nhu cầu lớn, đầu ra rộng, người trồng rau rất hy vọng cho mùa vụ tết năm nay. Ông Nguyễn Văn Quý (ngụ ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên), cho biết trong năm 2021 gia đình ông có thu nhập ổn định từ 2 công đất trồng rau sạch. Mỗi ngày thu hoạch được khoảng 80 - 100kg cải, với giá khoảng 20.000 đồng/kg, đủ để trang trải cuộc sống và tái đầu tư gieo trồng. Ở giai đoạn cận tết, giá rau màu đang có xu hướng tăng cao. Vì vậy, bên cạnh các loại cải được trồng để cung cấp thường xuyên cho siêu thị và các đầu mối, gia đình ông Quý dành ra phần đất để trồng cà chua và các loại rau sống phục vụ cho thị trường tết…
Ghi nhận cho thấy, tuy không rộn ràng như những năm trước, nhưng hiện nay, các thương lái cũng đã bắt đầu liên hệ các chủ vườn để ngã giá và đặt hàng. Đây thật sự là một tín hiệu vui cho các hộ nông dân trồng hoa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. |
Có thể thấy, từ sau khi trở về “bình thường mới”, hoạt động kinh doanh, giá cả thị trường đang dần hồi phục. Trong đó, giá thu mua rau, củ quả tại một số địa phương cũng đang có sự chuyển biến tích cực, tạo sự phấn khởi cho người nông dân trồng hoa màu, nhất là giai đoạn cận tết như hiện nay.
Bà Mai Thị Phụng (ngụ ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên), cho biết: “Gia đình tôi chuyên canh tác về cây hẹ, cà bắp và bạc hà. Những tháng vừa qua gặp nhiều khăn cho đầu ra của cây trồng vì dịch bệnh, nhất là cây bạc hà. Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, gia đình phần nào vượt qua được khó khăn. Hiện bạc hà và một số nông sản đang tăng giá trở lại. Tôi rất vui mừng vì điều này. Gia đình tôi đang chăm bón cho vụ mới thật tốt để kịp bán mùa tết, khắc phục phần nào khó khăn trong giai đoạn thực hiện giãn cách vừa qua…”.
Theo ông Trương Văn Thanh Giang, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, sau giai đoạn thực hiện giãn cách do dịch bệnh, sức mua của một số nông sản trên địa bàn như cà bắp, cải xanh, cải ngọt… đang dần hồi phục, giá cả cũng cao hơn so với trước. Riêng cây bạc hà - sản phẩm chủ lực của địa phương cũng đang có sự hồi phục về sức mua và giá cả. Hiện bà con đang rất phấn khởi trước thông tin này.
“Trong những ngày tới, để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và nhu cầu cung ứng rau, củ, UBND xã sẽ phối hợp cũng Hội Nông dân xã Thạnh Hội tăng cường triển khai việc hướng dẫn cho người dân trên địa bàn thực hiện việc luân canh cây trồng nhằm bảo đảm lượng rau sạch, cung cấp cho trong vào ngoài địa phương. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để tìm đầu ra mới cho cây bạc hà, qua đó định hướng phát triển tốt hơn cho người trồng bạc hà tại địa phương…”, ông Giang vui mừng nói.
“Gia đình tôi chuyên canh tác về cây hẹ, cà bắp và bạc hà. Những tháng vừa qua gặp nhiều khó khăn cho đầu ra của cây trồng vì dịch bệnh, nhất là cây bạc hà. Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, gia đình phần nào vượt qua được khó khăn. Hiện bạc hà và một số nông sản đang tăng giá trở lại. Tôi rất vui mừng vì điều này. Gia đình tôi đang chăm bón cho vụ mới thật tốt để kịp bán mùa tết, khắc phục phần nào khó khăn trong giai đoạn thực hiện giãn cách vừa qua…”. (Bà Mai Thị Phụng, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên) |
BÌNH MINH