Đó là ý kiến chung của cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh, khi các hội viên, nông dân được sự hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất từ các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội Nông dân trong phát triển kinh tế gia đình, tham gia phong trào của hội…
* Bà Trần Ngọc Phương, Chủ tịch Hội Nông dân TX.Thuận An: Nông dân TX.Thuận An tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Trong những năm qua, nông dân TX.Thuận An rất tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, ra sức thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững đã góp phần cho thị xã hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh.
* Ông Đặng Bảo Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Chánh, TX.Tân Uyên: Hội Nông dân đóng vai trò quan trọng trong phát triển của địa phương
Trong tiến trình đi lên đô thị hóa, phát triển kinh tế của địa phương, Hội Nông dân xã Phú Chánh đã đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và vận động người dân chuyển đổi ngành nghề theo hướng nông nghiệp đô thị, bảo đảm môi trường, phát triển mô hình nông nghiệp đô thị, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và làm thay đổi diện mạo địa phương.
* Ông Nguyễn Văn Lâm, hội viên Hội Nông dân xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng: Hội Nông dân đã giúp đỡ tôi nhiều trong làm kinh tế
Hiện nay, thu nhập chính của người dân xã Hưng Hòa vẫn từ sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc thu hoạch từ cao su tiểu điền, bà con trong xã còn chăn nuôi để tăng thu nhập. Gia đình tôi cũng đã trải qua nhiều khó khăn, nhất là khi chọn lựa mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của gia đình. Qua sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã và các hội, đoàn thể khác, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà hậu bị và nuôi rắn hổ vện trong hộc tủ bằng gạch. Đến nay, thu nhập từ nuôi rắn hổ vện cho gia đình trung bình 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Tôi cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm trong nuôi rắn hổ vện cho các hội viên Hội Nông dân trong xã và giúp đỡ về con giống, thức ăn khi các hội viên có nhu cầu.
* Ông Nhị Văn Xum, hội viên Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng: Nông dân luôn được tạo điều kiện để phát triển kinh tế gia đình
Bản thân tôi là một nông dân gốc, gia đình có truyền thống trồng cây ăn trái nhiều đời. Với kinh nghiệm đó, tôi đã xây dựng trang trại trồng cây ăn trái có múi ở xã Trừ Văn Thố. Là một nông dân, tôi muốn được trồng những loại cây khác nhau và nhận thấy thổ nhưỡng ở Trừ Văn Thố thuận lợi cho việc trồng tre lấy măng nên tôi thử vận may với cây trồng mới này.
Qua sự giúp đỡ của các cấp Hội Nông dân, tôi được đi tham quan các mô hình trồng tre lấy măng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh khác. Cùng với đó, tôi còn được cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp sạch (VietGap), nên đã mạnh dạn đầu tư 6 ha trồng tre điền trúc lấy măng. Từ những kinh nghiệm của thất bại trong thời gian đầu, đến nay vườn tre của tôi đã cho thu hoạch măng đạt tiêu chuẩn, năng suất cao; thu nhập mỗi năm sau khi trừ chi phí đạt trung bình 1 tỷ đồng.
Bên cạnh tăng thu nhập cho gia đình, tôi còn chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp cây giống cho các hộ có nhu cầu, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn.
P.AN - H.PHẠM