87 năm qua, nông dân tỉnh Bình Dương đã không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, tuyệt đối tin tưởng, trung thành, một lòng theo Đảng để góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, nông dân trong tỉnh luôn phát huy vai trò nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh và xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Nhiều phong trào, mô hình hiệu quả
Anh Huỳnh Văn Khải, hội viên nông dân, ở khu phố 6, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một đã thành công với mô hình trồng rau mầm và là một trong 4 đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG) tiêu biểu cấp tỉnh được tỉnh chọn đi dự Hội nghị NDSXKDG toàn quốc vào tháng 9-2017 tại Hà Nội. Anh Khải chia sẻ, năm 2004 anh đã đưa gia đình từ Bến Tre lên Bình Dương lập nghiệp. Ban đầu, anh sống bằng nghề nuôi dế nhưng dế thường xuyên bị bệnh rồi chết, nguyên nhân được xác định là do thức ăn cho dế anh mua trôi nổi ngoài đường không bảo đảm an toàn. Không đành lòng bỏ nghề này, anh tìm tòi học hỏi, cuối cùng nghĩ ra cách là tự mình trồng cây rau mầm cho dế ăn. Sau đó, anh thấy loại rau này được nhiều người mua về ăn nên anh chuyển luôn qua trồng rau mầm để bán. Thời gian đầu, anh Khải mang sản phẩm của mình đi chào hàng khắp nơi, nhưng do còn mới nên ban đầu anh cũng gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ. Nhờ sự kiên trì, rau mầm của anh dần dần được người tiêu dùng tín nhiệm.
Chăn nuôi heo là một trong những mô hình được nhiều nông dân trong tỉnh thực hiện. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi heo của ông Phạm Mạnh Cường, ở xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Với mong muốn tạo ra các loại sản phẩm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và mang lại nguồn thu nhập khá, anh Khải đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và thành lập cơ sở sản xuất rau Khải Yến để tiếp cận thị trường thuận lợi hơn. Đến năm 2007, sản phẩm rau mầm Khải Yến đã có đầu ra tương đối ổn định, với số lượng bán ra thị trường 300 - 400 hộp/ngày. Đến nay, với diện tích 500m2 trồng rau mầm, thu nhập bình quân của gia đình anh đạt gần 1 tỷ đồng/ năm, nhờ đó đời sống của gia đình anh ngày một nâng cao.
Anh Khải cho biết, bên cạnh nỗ lực của bản thân, những năm qua nhờ Hội Nông dân các cấp tạo điều kiện hỗ trợ cho anh cùng các hội viên nông dân khác được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình thành công và cách ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng và chăm sóc rau mầm. Nhờ đó, mô hình trồng rau mầm của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, là một trong những mô hình điển hình của Hội Nông dân tỉnh.
Để ngày càng có nhiều mô hình thành công, nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ tập hợp giáo dục, giác ngộ nông dân mà còn tổ chức cho nông dân tiếp thu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần xóa nghèo, làm giàu chính đáng cho nông dân; từng bước góp phần đưa nông nghiệp, nông dân và nông thôn lên sản xuất theo định hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Nhiều phong trào diễn ra hết sức sôi nổi do các cấp Hội Nông dân tổ chức xuyên suốt và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của nông dân và địa phương.
Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị; nông dân tham gia hoạt động văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Theo lãnh đạo Chi hội Nông dân khu phố 2, phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một cho biết, thực hiện phong trào NDSXKDG, đoàn kết tương trợ giúp nhau xóa đói giảm nghèo, hàng năm chi hội đã tạo điều kiện hỗ trợ cho hội viên nông dân thực hiện phong trào bằng các hình
thức như chuyển giao kiến thức, khoa học - kỹ thuật và đào tạo nghề nông nghiệp cho cán bộ, hội viên; đề nghị về trên hỗ trợ vốn… Nhờ đó đến nay, các vườn cây ăn trái của các hội viên nông dân ở khu phố năng suất đều tăng, bán được giá cao, giúp đời sống hội viên ổn định, ngày càng nâng cao.
Bên cạnh phong trào NDSXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị cũng đã lan tỏa rộng khắp. Riêng trong 9 tháng năm 2017, thực hiện chương trình nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp vận động hội viên nông dân tham gia nâng cấp, tu sửa, dặm vá 151,93km đường giao thông nông thôn; nạo vét kênh mương nội đồng, khai thông cống rãnh, phát quang, vệ sinh đường phố được 67,96km; đồng thời vận động ủng hộ công trình trên 2 tỷ đồng, hiến 6.350m2 đất, làm mới, sửa chữa 3 cầu, cống...
Ông Nguyễn Hoàng Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá, những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình công tác hàng năm. Riêng từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã thực hiện khá tốt 12 chỉ tiêu thi đua trong năm như tuyên truyền phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đăng ký danh hiệu NDSXKDG, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân...
Luôn tạo điều kiện cho phong trào hội phát triển
Để tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của nông dân trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng tổ chức hội vững mạnh và xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, ông Nguyễn Hoàng Vinh cho biết trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến để đưa ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp với ngành công thương để giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào và giá cả đầu ra sản phẩm của nông dân luôn ổn định giúp nông dân yên tâm sản xuất. Đây là điều mà nông dân trong tỉnh đang trông đợi vào các ngành có liên quan hỗ trợ.
Đồng thời, các cấp hội tăng cường các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật, phối hợp chuyển giao công nghệ, tìm kiếm thị trường, trợ giúp pháp lý; tổ chức dạy nghề cho nông dân; cùng với đó thực hiện tốt việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Các cấp hội cũng tiếp tục khuyến khích nông dân sản xuất những cây, con có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ rộng, có khả năng hội nhập được với kinh tế khu vực và thế giới.
Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, được xác định là một chương trình trọng tâm được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hội Nông dân tỉnh cũng xác định, các cấp hội sẽ tham gia tích cực hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn, tham gia xây dựng gia đình nông dân văn hóa, xây dựng khu, ấp văn hóa, để góp phần thay cho bộ mặt nông thôn tỉnh nhà phát triển văn minh, tiến bộ.
Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2016 và khen thưởng công tác hội cho 4 tập thể, 11 cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2016. UBND tỉnh công nhận 2 tập thể đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, 1 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; tặng bằng khen cho 20 tập thể và 246 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2014-2016. 1.617 hộ được công nhận đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2014- 2016 cùng nhiều phần thưởng khác.
PHƯƠNG LÊ