Đó là anh Trần Trọng Tâm ở ấp 5, xã Vĩnh Tân (Tân Uyên) và anh Nguyễn Hữu Tâm ở ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng (Tân Uyên). Hai người bạn trẻ này đều là những thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.
Đất lầy sinh bạc triệu
Theo chân một cán bộ Đoàn thanh niên xã Vĩnh Tân quanh co qua con đường mòn, chúng tôi dễ dàng nhận ra duy chỉ có vườn hoa màu của anh Trần Trọng Tâm giữa những vườn cao su rộng lớn. Cách đây 3 năm, diện tích gần 1 ha này là mảnh đất không bằng phẳng, trâu bò nằm vũng. Với quyết tâm làm kinh tế, anh đã bỏ công ra cải tạo, vun xới để canh tác trồng hoa màu trong khi nhiều nông dân xung quanh chỉ canh tác cây cao su. Vì là loại đất cát không thích hợp trồng cây ngắn ngày nên nhiều người cho rằng mô hình của anh khó có hiệu quả.
Anh Trần Trọng Tâm chăm sóc ruộng khổ qua chuẩn bị mùa thu hoạch mới
Ban đầu lập vườn, anh Tâm bỏ vốn khoảng 50 triệu đồng mua lưới, trụ trồng dưa leo và khổ qua xen canh từng vụ. Bên cạnh đó, anh vừa trồng thêm cây ớt để tạo thêm thu nhập. Mỗi năm anh trồng 4 vụ, mỗi vụ 3 tháng, thu hoạch hơn 20 tấn dưa, khổ qua, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng/vụ. Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Ba điều cần có trước hết là tưới nước, cho phân và chọn giống cây trồng. Đối với loại đất này tôi sử dụng thêm kỹ thuật phủ bạt để diệt cỏ, giữ ẩm, phòng sâu bệnh và dành nhiều thời gian để theo dõi tình hình phát triển của cây, kịp thời khắc phục tình trạng sâu bệnh để đạt năng suất cao”. Chịu khó lao động và yêu thích công việc, anh Tâm đã vươn lên làm giàu chính đáng.
Kỹ thuật mới - vốn sinh lời
Với kinh nghiệm con nhà nông, anh Nguyễn Hữu Tâm ở xã Bạch Đằng đã mạnh dạn tham gia mô hình bưởi sạch VietGap theo chương trình dự án 100 ha vườn bưởi đặc sản từ năm 2005. Vạn sự khởi đầu nan, canh tác mô hình mới nên vườn bưởi 1.600m2 của anh Tâm trong thời gian đầu không tránh khỏi thất bại, anh đã kiên nhẫn tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn… Qua những lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và chịu khó học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật, anh Tâm đã áp dụng trên vườn bưởi của mình và đem lại kết quả khả quan. Lần đầu tiên thu hoạch, vườn bưởi cho sản lượng hơn 2,5 tấn, trừ chi phí còn lời được 25 triệu đồng. Những mùa vụ sau, nhờ vào kỹ thuật xử lý cây bưởi ra trái đúng thời điểm thị trường khan hiếm, dễ tiêu thụ, trung bình hàng năm anh thu nhập hơn 50 triệu đồng. Dưới những gốc bưởi trĩu quả hứa hẹn năng suất cao, anh còn cho biết dự án mới của anh là thí nghiệm trồng gừng dưới vườn bưởi, tận dụng được diện tích nhưng không ảnh hưởng đến cây bưởi.
Thành công nhờ vào khoa học kỹ thuật nên anh thường vận động bà con dành thời gian để tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ. Không chỉ thế, anh còn trực tiếp cải tạo thành công nhiều vườn bưởi của bà con đang trong tình trạng sâu bệnh, chậm phát triển vì vậy bà con trong xã thường gọi anh là “kỹ sư” và anh bảo: “Kỹ sư phải giỏi lắm! Biết bao nhiêu thì giúp bà con bấy nhiêu, mình còn phải học nhiều”.
NHƯ Ý