Nông dân xã An Sơn, TX.Thuận An: Luôn “nặng lòng” với vườn cây ăn trái

Cập nhật: 12-08-2016 | 10:44:49

An Sơn, TX.Thuận An là một xã có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, chủ yếu là các loại cây ăn trái như măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon. Với diện tích trồng cây ăn trái chiếm hơn 66% diện tích tự nhiên của xã đã đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

Để vườn cây ăn trái ở xã An Sơn phát triển ổn định, cần sự nỗ lực nhiều hơn từ ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân Ảnh: H.PHẠM

Một vụ mùa khó khăn

An Sơn là một trong những địa phương của TX.Thuận An được tỉnh hỗ trợ trong việc giữ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2016 (cụ thể là Quyết định 45/2012/QĐ-UBND ngày 16-10-2012 của UBND tỉnh). Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Sơn cho biết, với chính sách hỗ trợ này, các vườn cây ăn trái trên địa bàn xã được chăm sóc tốt hơn, cho năng suất cao hơn. Tính trong 6 tháng đầu năm 2016, xã đã tổ chức cấp phát trên 1 tỷ đồng tiền chăm sóc vườn cây ăn trái năm 2016 cho 913 hộ, với diện tích 260 ha.

Tuy vậy, vụ trái cây năm nay, do nắng nóng kéo dài hơn so với cùng kỳ năm trước đã làm cho năng suất vườn cây ăn trái ở An Sơn giảm so với các vụ mùa trước. Theo thống kê của UBND xã An Sơn, năng suất vụ mùa năm nay chỉ đạt khoảng 20% so với vụ mùa năm 2015, trong đó măng cụt có năng suất thấp nhất, chỉ đạt khoảng 15%. Là người có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng cây ăn trái, ông Võ Hiếu Trung ở ấp An Phú, xã An Sơn cho hay, đây là năm thất mùa cao nhất từ trước đến nay. Trước đây, nếu có thất mùa thì năng suất cũng đạt hơn 50%. “Như vườn của tôi, có hơn 110 gốc măng cụt với tuổi từ 20 - 50 năm nhưng năng suất năm nay chỉ đạt hơn 10% so với mọi năm. Còn các loại cây ăn trái khác có đậu trái nhưng chất lượng không tốt”, ông Trung nói.

Bên cạnh thất mùa do ảnh hưởng của thời tiết, vấn đề môi trường cũng phần nào ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái cây ở An Sơn. “Ngoài nguyên nhân thời tiết, vấn đề nguồn nước bị ô nhiễm do xâm nhập mặn và nước thải của các nhà máy xả thải ra môi trường cũng phần nào ảnh hưởng đến năng suất cây ăn trái ở xã”, bà Nhung cho biết cụ thể hơn.

Cần sự nỗ lực nhiều hơn từ các phía

Ông Trung cho biết, tuy năm nay sản lượng măng cụt của gia đình chỉ đạt hơn 500kg, bằng 1/6 so với mùa vụ năm 2015 nhưng với giá thu mua măng khá cao, trung bình 38.000 đồng/kg, cũng đủ cho gia đình có khoản chi phí để đầu tư chăm sóc cho vụ mùa sau. Các hộ trồng cây ăn trái khác ở An Sơn cũng chia sẻ, mặc dù năm nay thất mùa nhưng vườn cây ăn trái là nguồn thu chính của gia đình nên bà con vẫn tiếp tục chăm sóc vườn cây, gắn bó với cái nghề cha ông đã để lại này.

Bà Nhung cho biết, nhằm tạo điều kiện cho người dân chuẩn bị tốt cho vụ mùa năm sau, trước mắt, Hội Nông dân xã khuyến khích bà con tiếp tục giữ diện tích cây ăn trái hiện có, chăm sóc, phân bón đầy đủ, không vì thất mùa năm nay mà bỏ vườn cây. Hội cũng đề nghị UBND thị xã gia hạn thêm thời gian triển khai Quyết định 45 của UBND tỉnh vì năm 2016 là năm cuối thực hiện quyết định này. Với sự hỗ trợ này sẽ giúp cho bà con có điều kiện chăm sóc, phát triển vườn cây ăn trái. Ngoài ra, hội cũng đề nghị Phòng Kinh tế, Trạm Bảo vệ thực vật, Hội Nông dân thị xã mở các lớp tập huấn, chăm sóc cây ăn trái khi thời tiết có diễn biến phức tạp.

 

 HOÀNG PHẠM

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=625
Quay lên trên