Nông nghiệp công nghệ cao Bình Dương đang có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp của Pháp đã rót vốn để đầu tư vào lĩnh vực này.
Những nhà máy triệu đô
Ngày 10-10-2017, nhà máy phụ gia thức ăn chăn nuôi (TACN) đầu tiên của Tập đoàn Olmix (Pháp) đã được khánh thành tại Khu công nghiệp Sóng Thần II (TX.Dĩ An). Đây là nhà máy phụ gia TACN đầu tiên mà Tập đoàn Olmix xây dựng tại châu Á. Với tổng vốn đầu tư hơn 5 triệu euro, đây được coi là bước đi đầu tiên của các nhà đầu tư đến từ Pháp chinh phục thị trường TACN châu Á; đồng thời mở ra triển vọng thực phẩm không kháng sinh cho ngành chăn nuôi Việt Nam.
Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Bình Dương là lợi thế thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Q.NHIÊN
Theo Hiệp hội TACN, ước tính sản lượng TACN năm 2016 của Việt Nam đạt 20 triệu tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc (180 triệu tấn) và Nhật Bản (24 triệu tấn). Tuy nhiên, từ năm 2016, bất cập trong ngành này trở nên rõ rệt khi thị phần TACN trong nước hầu hết là nhập khẩu, tỷ trọng nhập khẩu cũng tăng nhanh.
Được thiết kế và xây dựng theo quy chuẩn FAMI QS, sản phẩm của nhà máy Olmix Asia Việt Nam sẽ đóng gói các quy cách bao bì 10kg và 25kg. Nhà máy hoạt động với công suất 130.000 lít dạng lỏng và gần 5.000 tấn/năm dạng bột phụ gia, dinh dưỡng động vật cung cấp cho các nhà máy TACN và các trang trại mỗi năm. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc nhà máy phụ gia TACN của Pháp có mặt ở Việt Nam sẽ góp phần phát triển dòng sản phẩm đặc trưng châu Á, giảm giá thành và góp phần đưa sản phẩm chăn nuôi trong nước phát triển.
Trước đó, vào quý I-2017, Công ty TNHH Bel Việt Nam đã khánh thành nhà máy sản xuất trị giá 12,9 triệu euro tại Khu công nghiệp Sóng Thần III (TP.Thủ Dầu Một). Bel Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Bel (Pháp) và là nhà sản xuất những thương hiệu phô mai nổi tiếng như Con Bò Cười, Kiri, Babybel, Goodi, Regal Picon... Nhà máy của Bel Việt Nam có quy mô vốn đầu tư lên đến 12,9 triệu euro; có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại; công suất đạt 10.000 tấn phô mai/ năm. Với việc đưa vào sử dụng nhà máy mới, Bel Việt Nam hướng đến mục tiêu mang lại những sản phẩm chế biến từ sữa có giá trị dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á. Công suất của nhà máy mới đạt đến 3 triệu miếng phô mai Con Bò Cười/tuần, năng suất cao nhất của tập đoàn cho đến hiện nay
Không chỉ đơn thuần sản xuất phô mai, Bel Việt Nam còn thành lập trung tâp nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm từ sữa bò của địa phương để phát triển các dòng sản phẩm đặc trưng dành cho thị trường Việt Nam và châu Á. Chiến lược phát triển dài hạn của Bel Việt Nam là trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm cho toàn khu vực Đông Nam Á. “Đây thực sự là một thương vụ đầu tư rất tốt của một doanh nghiệp Pháp đối với nông nghiệp Bình Dương nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung, đúng như định hướng kêu gọi đầu tư của tỉnh dành cho lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua”, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Nhiều kỳ vọng hút vốn từ nhà đầu tư Pháp
Ông Bertrand Lortholary, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại Việt Nam cho rằng, riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành chăn nuôi đóng vai trò quan trọng đối với cả Việt Nam lẫn Pháp, nhưng tiềm năng lâu nay vẫn chưa được khai thác triệt để. Chính vì thế, đây rõ ràng là một cơ hội để thúc đẩy hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Pháp vào Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. “Mới đây, Chính phủ Việt Nam có động thái sẽ cấm TACN có kháng sinh. Bằng công nghệ, Pháp sẵn sàng đồng hành cùng ngành chăn nuôi và cộng đồng doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm được năng suất”, ông Bertrand nói.
Tham dự sự kiện khánh thành nhà máy lớn của một doanh nghiệp Pháp tại Bình Dương, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới là khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp chế biến trong nông nghiệp. Với vị trí địa lý thuận lợi, truyền thống phát triển công nghiệp, Bình Dương trong thời gian tới hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến của những nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Pháp là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, công nghệ hiện đại nên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên giới thiệu các doanh nghiệp này đầu tư vào các tỉnh phía Nam như Bình Dương.
Rõ ràng, với tiềm năng và lợi thế của địa phương cũng như sự định hướng, chỉ đạo đúng đắn từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Bình Dương đang ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư từ Pháp nói riêng và các quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại khác.
Nhiều chuyên gia đánh giá, quan hệ Việt Nam - Pháp phát triển liên tục trong những năm gần đây, với hàng loạt trao đổi diễn ra trên nhiều lĩnh vực từ chính trị cho tới thương mại, đầu tư và văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, Pháp mới chỉ là bạn hàng thứ 15 và là nước xuất khẩu thứ 13 vào Việt Nam, thị phần của Pháp khá nhỏ, đứng sau Đức và Italia. Xét về đầu tư, Pháp chỉ xếp thứ 16 trong số các nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam và thứ 3 châu Âu, sau Anh và Hà Lan. Đáng chú ý, trong thời gian gần đây một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông nghiệp của Pháp đã đầu tư nhà máy sản xuất lớn tại Bình Dương và một số tỉnh, thành phía Nam.
KHÁNH VINH