Theo UBND huyện Phú Giáo, trong 6 tháng đầu năm 2019, việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất nông nghiệp tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét, mang lại hiệu quả cao.
Hiệu quả cao
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện, việc ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp đã tạo sự chuyển biến rõ nét đối với lĩnh vực này tại địa phương. Ngoài khu sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trong trồng trọt tập trung tại xã An Thái có tổng diện tích 411,75 ha và khu nông nghiệp ƯDCNC trong chăn nuôi bò sữa tại xã Phước Sang có tổng diện tích 471,86 ha, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành 103 trang trại sản xuất nông nghiệp ƯDCNC (trong đó có 17 trang trại được chứng nhận VietGAP), gồm 57 trang trại trồng trọt và 46 trang trại chăn nuôi trại lạnh.
Các trang trại trên địa bàn huyện đa dạng về loại cây trồng, kỹ thuật, quy mô diện tích. Đối với các trang trại trồng trọt ƯDCNC trên địa bàn huyện như trồng dưa lưới, rau an toàn, cây có múi, cây ăn trái (chuối, bưởi, cam, sầu riêng…) có quy mô diện tích từ vài ngàn m2 (trồng hoa lan, rau…) đến vài chục ha (dưa lưới, cây ăn trái …).
Hiện diện tích nông nghiệp trồng cây ngắn ngày của huyện đang chuyển đổi sang trồng các loại rau ăn lá, ăn quả, hoa lan đạt 500 ha, với vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng; tổng diện tích dành cho trang trại chăn nuôi khoảng 300.000m2. Thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, lợi nhuận đạt từ 30 - 40% trên tổng doanh thu.
Quy trình xử lý dưa lưới sau thu hoạch tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo) của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, chủ yếu là cam, bưởi da xanh, quýt… với diện tích khoảng 800 ha. Những loại cây này chủ yếu trồng ở các xã An Thái, An Linh, Tam Lập, Phước Hòa và thị trấn Phước Vĩnh. UBND huyện đang lập thủ tục trình Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cam Phú Giáo” và “Bưởi Phú Giáo”.
Ghi nhận cho thấy, hiện nay nhiều trang trại nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, các trang trại nông nghiệp ƯDCNC trồng rau ăn lá trên địa bàn có doanh thu 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/ ha/năm, trồng hoa lan gần 2 tỷ đồng/ha/năm, cây ăn trái trên 1 tỷ đồng/ha/năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm 1 tỷ đồng/trang trại… Điển hình như trang trại trồng rau (ăn lá, củ, quả, gia vị) của ông Nguyễn Mạnh Phong ở ấp Gia Biện, xã Tam Lập, đạt sản lượng 120 tấn/năm, doanh thu 1 tỷ đồng/năm; trang trại trồng 25 ha bưởi da xanh của ông Nguyễn Đức Thắng ở ấp Gia Biện, xã Tam Lập đạt sản lượng 100 tấn/năm, doanh thu trên 30 tỷ đồng/năm; trang trại trồng dưa lưới của ông Nguyễn Văn Cường, ở xã An Bình doanh thu đạt 1 tỷ đồng/năm...
Phát triển thương hiệu cây có múi
6 tháng qua, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện Phú Giáo thực hiện 1.902,2 tỷ đồng, đạt 45,14% kế hoạch năm 2019. Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện, lĩnh vực trồng trọt chiếm 68,6%, chăn nuôi chiếm 31,4% (6 tháng đầu năm 2018 là 68,8% và 31,2%). Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm trên địa bàn là 2.139 ha, giảm 0,82% (2,87 ha); tổng diện tích cây lâu năm là 38.740,23 ha, tăng 0,03% (13,29ha) so với cùng kỳ năm trước.
Về chăn nuôi theo hướng nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, toàn huyện hiện có 47 trại lạnh, gồm 1 trại chăn nuôi bò sữa quy mô 1.300 con (đang chăn nuôi khoảng 800 con), 18 trại nuôi gà (gồm 14 trại gà thịt, 4 trại gà đẻ) và 28 trại heo.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng qua để có giải pháp đẩy nhanh thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp ƯDCNC.
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết UBND huyện đã yêu cầu các ngành chức năng trong 6 tháng cuối năm thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, phối hợp với các xã, thị trấn có biện pháp tổ chức phòng tránh, ứng phó kịp thời diễn biến thất thường của thời tiết nhằm hạn chế tối đa thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Ông cũng yêu cầu các ngành, địa phương xây dựng và phát triển thương hiệu cây có múi trên địa bàn huyện; tổ chức hội thảo nông nghiệp ƯDCNC, ứng dụng mã vạch trong quản lý sản xuất và kinh doanh; xây dựng và triển khai kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và điều kiện an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản…
TIỂU MY