Trước tình trạng nhiều loại trái cây xuất khẩu như thanh long, dưa hấu... bị ùn ứ vì ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra, nhiều nơi trong cả nước phát động phong trào “giải cứu” nông sản giúp nông dân.
Các chương trình kết nối, tăng cường tiêu thụ trái cây xuất khẩu được triển khai. Nhiều doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... tham gia bán trái cây hỗ trợ nông dân. Từ chợ đến siêu thị, hình ảnh người tiêu dùng mua từng bọc to thanh long, dưa hấu ra về khiến ai cũng xúc động, cảm kích. Thế mới thấy hết tình đoàn kết, sự đùm bọc nhau của người Việt trong lúc khó khăn.
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, cửa khẩu ở phía Bắc thông quan một phần, thanh long đột ngột lên giá tới 35.000 đồng/kg. Dù vậy, đối với nhiều người vẫn thấp thỏm mừng - lo; mừng vì trước mắt nông dân thoát cảnh nợ nần; lo vì không biết nông dân đã rút kinh nghiệm được gì với thị trường hay lại còn vô số đợt giải cứu.
Một nỗi buồn nữa là bình thường người dân phải mua nông sản theo “thời giá” xuất khẩu, thậm chí có những mặt hàng nếu giá xuất quá cao thì thị trường tiêu thụ nội địa tìm “đỏ mắt” cũng không có, nếu có thì giá cao ngất ngưỡng. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp chia sẻ, thực tế khi đi thu mua nông sản “giải cứu”, nông dân vẫn so sánh với mức giá cao khi xuất khẩu tốt mà quên đây là thời điểm trái cây bị ùn ứ, phải đổ bỏ vì không tiêu thụ kịp nên việc thương lượng còn khó khăn.
Liệu rằng sau đợt “giải cứu” này là bài học để nông dân quyết tâm thay đổi thói quen, chuyển sang sản xuất an toàn đạt chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác, thậm chí chú trọng tính bền vững của thị trường nội địa. Vì chỉ có việc chủ động thị trường thì trái cây tươi Việt Nam mới không quá lệ thuộc vào một thị trường, tránh tình trạng Trung Quốc chậm hoặc ngừng nhập khẩu là nông sản lại rơi vào cảnh cần “giải cứu”.
TIỂU MY