Xã An Bình, huyện Phú Giáo bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xuất phát điểm thấp. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình xây dựng NTM bảo đảm chất lượng, phù hợp điều kiện thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xã An Bình đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.
Diện mạo nông thôn mới An Bình hôm nay
Thành công từ sự đồng thuận
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện, sự tập trung lãnh đạo của Đảng ủy, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể và quan trọng nhất là được sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân trong xã, nên việc tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn xã An Bình rất thuận lợi. Ban Quản lý chủ động trong triển khai thực hiện đề án, kế hoạch xây dựng NTM, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể từ xã đến ấp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra”. Trên cơ sở đó, nhân dân đã tích cực tham gia từ công tác quy hoạch, công tác lập đề án, bàn bạc, đóng góp làm đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng, chỉnh trang nhà cửa. Ngoài ra, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh và hiệu quả.
Kết quả, các trục đường xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, bảo đảm đi lại thuận tiện. Cụ thể, 100% đường trục ấp và đường liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa; 100% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Các hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 100%. Tỷ lệ trường học các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia đạt 100%.
Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết những kết quả đã đạt từ việc thực hiện chương trình xây dựng NTM của xã hôm nay là sự kết tinh từ sức mạnh tổng hợp, đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân. Đây cũng chính là “quả ngọt”, nền tảng vững chắc để xã tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí đã đạt, xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.
Đời sống người dân nâng cao
Với những hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế tại địa phương, trong những năm qua đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân trên đầu người năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2011 xã An Bình thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm, cuối năm 2015 đạt 34 triệu đồng/ người/năm, năm 2019 đạt 56 triệu đồng/người/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra.
Ông Võ Văn Lợi cho biết, để xây dựng NTM thành công phải lấy phát triển sản xuất làm khâu đột phá. Do đó, xã đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Địa phương khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, góp phần tăng sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập. Ngoài ra, xã khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ liên kết chăn nuôi, trồng trọt, cơ sở chế biến nông sản gắn với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị, thu nhập trên một diện tích đất sản xuất. Đến nay, trên địa bàn xã có 1 hợp tác xã nông nghiệp, 4 tổ liên kết và 11 trang trại trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Các thành viên thường xuyên học tập, trao đổi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, xã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở 7 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp. Mặt khác, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn thông qua chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, phát triển ngành nghề nông thôn như mộc, sắt, cắt may, nấu ăn… từ đó đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Cùng với việc chú trọng phát triển sản xuất, xã cũng tập trung chỉ đạo và tranh thủ tối đa các nguồn lực để nâng cấp xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Hệ thống điện, đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường… đều bám theo tiêu chí đề ra. Qua đó không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, mà còn nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
THOẠI PHƯƠNG