Nước Pháp chia rẽ và lưỡng lự sau cuộc bầu cử vòng 1

Cập nhật: 23-04-2012 | 00:00:00

Số phiếu cao cho ứng cử viên cực hữu là điều gây sốc nhất của cuộc bầu cử vòng 1 và sẽ là “ẩn số” gây biến động lớn nhất cho vòng 2.

Bộ Nội vụ Pháp vừa thông cáo kết quả sơ bộ chính thức cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1. Theo đó ứng cử viên của đảng Xã hội Francois Hollande dẫn đầu với khoảng cách sít sao so với Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Người dân Pháp đón nhận những kết quả đã được dự đoán trước đó, với những bất ngờ và thái độ rất khác nhau. Những cuộc khẩu chiến giữa tả và hữu, cực tả và cực hữu đã khởi động ngay từ hôm qua, nước Pháp đang thực sự chia rẽ và lưỡng lự sau cuộc bầu cử vòng 1.

Theo thông báo chính thức của Bộ Nội vụ Pháp, ứng cử viên Francois Hollande về đầu với 28,6% số phiếu, chỉ nhỉnh hơn 1,5% so với Tổng thống Nicolas Sarkozy (27,1%). Về thứ ba là ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen với 18%; ứng cử viên cực tả Jean Luc Melenchon được 11,1% và về thứ 5 là ứng cử viên trung dung Francois Bayrou với 9,1%.

  Màn hình lớn tại Tòa thị chính Paris công bố kết quả bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1Bị dẫn đầu sít sao bởi ứng cử viên Francois Hollande, Tổng thống Nicolas Sarkozy không chỉ trở thành vị Tổng thống đầu tiên trong nền Cộng hòa thứ 5 về thứ hai trong vòng 1 cuộc bầu cử. Mà một điều chưa từng có trong lịch sử bầu cử Tổng thống ở Pháp là một ứng cử viên cánh tả Francois Hollande có tỉ lệ ủng hộ cao hơn ngay tại thủ đô Paris- nơi tập trung nhiều người giàu và được coi là một thành trì của cánh hữu.

Số phiếu cao cho ứng cử viên cực hữu là điều gây sốc nhất của cuộc bầu cử vòng 1 và sẽ là “ẩn số” gây biến động lớn nhất cho vòng 2.

Marine Le Pen - Ẩn số gây biến động lớn nhất cho vòng 2

Tại sao bà Marine Le Pen có thể có được sự ủng hộ nhiều đến thế, gấp gần 2 lần so với dự đoán ban đầu, vượt lên giành vị trí quan trọng là “Người thứ 3”? Câu hỏi này thực sự ám ảnh người dân Pháp, kể cả bên cánh hữu từ khi kết quả được công bố.

Có người cho rằng, bà Le Pen đã làm tốt hơn cha mình –cựu Chủ tịch Đảng Mặt trận quốc gia cực hữu Jean Marie Le Pen ở hai điểm. Thứ nhất là có các chương trình hành động cụ thể trong nhiều vấn đề như nhập cư, quyền bỏ phiếu của người nước ngoài tại Pháp…

Thứ hai, với hình ảnh một phụ nữ trẻ và năng động, bà Marine Le Pen đã hướng vào đối tượng trẻ tuổi chứ không chỉ nhằm thu hút cử tri bảo thủ lớn tuổi như cha mình trước đó. Tuy nhiên quan trọng hơn, người ta lo ngại chính tâm lí chán nản, không tin tưởng ai trong 2 gương mặt dẫn đầu đã khiến không ít cử tri Pháp bỏ phiếu cho cực hữu.

Chị Mariam Louis, một cử tri ủng hộ ứng cử viên Francois Hollande nói: “Tôi thực sự lo lắng về sự vươn lên của ứng cử viên Marine Le Pen, cho thấy tâm lí bất mãn của một số lượng không nhỏ người dân Pháp. Chưa biết thái độ của bà Le Pen sẽ ra sao, nhưng theo truyền thống Mặt trận Quốc gia thường đứng về phía ứng cử viên cánh hữu. Khi đó, cánh tả sẽ gặp nhiều bất lợi, nếu không nói là có nguy cơ thất bại. Trong khi đó, các ứng cử viên cánh tả đã không thành công như tôi mong đợi”.

“Ai cũng được, ngoại trừ ông Sarkozy!”

Tâm lí này đang trỗi dậy ngày càng nhiều trong cử tri Pháp. Sau khi kết quả bầu cử sơ bộ vòng 1 được công bố, hai ứng cử viên cánh tả Jean Luc Melenchon và Eva Joly đã ngay lập tức tuyên bố ủng hộ không điều kiện, không cần thương lượng cho ông Francois Hollande, để cùng người dân Pháp “lật qua những trang sử thời Sarkozy”, như lời ông Melenchon. Tuy nhiên, về phía cánh hữu, lời khẳng định truyền thống được đưa ra là «chưa có gì ngã ngũ !”. Lá bài đầu tiên đảng Liên minh vì phong trào nhân dân UMP của ông Sarkozy sẽ đưa ra chắc chắn là các chiêu thức để thu hút, mặc cả số phiếu của cử tri  ủng hộ bà Marine Le Pen.

Trao đổi với PV Đài TNVN thường trú tại Pháp, nhà báo Pháp Emmanuel cho rằng bản thân các cử tri đã bỏ phiếu cho bà Le Pen cũng “không kiên định”.

Nhà báo Emmanuel nói: “Ai cũng hiểu các cử tri bỏ phiếu cho  bà Le Pen không đồng nhất và số đông trong đó bất mãn với chính phủ của tổng thống Sarkozy. Việc vận động đối tượng cử tri đó cũng không dễ đối với đảng UMP”.

Cuộc tranh luận trực diện trên truyền hình được chờ đợi

Người dân Pháp đang nóng lòng chờ đợi cuộc tranh luận trực diện giữa hai người dẫn đầu vòng 1 – sự kiện được cho là có thể xoay chuyển tình thế. Tổng thống Sarkozy, rõ ràng hiểu được lợi thế về tài hùng biện và kinh nghiệm chính trường của mình so với đối thủ Francois Hollande, hôm qua đã yêu cầu có tới 3 cuộc tranh luận trực diện trên truyền hình. Nhưng ông Hollande đã lập tức từ chối. Rất có thể hai ứng cử viên này sẽ có những thay đổi trong cương lĩnh tranh cử gần hơn với hai ứng cử viên cần tranh thủ là bà Marine Le Pen và ông Francois Bayrou.

Nước Pháp vì thế, tiếp tục chờ đợi những diễn biến bất ngờ trong 2 tuần trước cuộc quyết đấu vòng 2.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=203
Quay lên trên