Nước Mỹ tranh cãi về tài liệu bị rò rỉ

Cập nhật: 31-07-2010 | 00:00:00

Ngày 27-7, một ngày sau khi hơn 91.000 tài liệu mật về cuộc chiến Afghanistan được trang web WikiLeaks công bố và 3 tờ báo New York Times (Mỹ), Guardian (Anh) và Der Spiegel (Đức) đồng loạt đăng tải, những luồng dư luận trái chiều về cuộc chiến này đã xuất hiện tại Mỹ. Một bên cho rằng đây là những thông tin rất đáng quan tâm bởi nó đã chỉ ra những khiếm khuyết trong chiến lược của Mỹ tại Afghanistan, và cả trong việc bảo mật thông tin. Bên khác thì cho rằng đây là các thông tin không có gì mới và với kỳ vọng sẽ tìm được những gì bổ ích từ “mớ thông tin hỗn độn” thì người ta chỉ thấy rằng “Afghanistan là một từ có 4 âm tiết”.

 

Chẳng có gì giá trị...

 

Tờ Washington Post ngày 27-7-2010 đã nêu ra nhận định về hàng chục ngàn tài liệu mật bị rò rỉ mà các quan chức, nghị sĩ và các chuyên gia quan tâm: Thứ nhất, thông tin về đồng minh không đáng tin cậy như Pakistan dường như không thể khiến Quốc hội gây áp lực lên chính quyền Mỹ thay đổi chính sách với cuộc chiến tại Afghanistan. Thứ hai, sự tiết lộ các thông tin về chiến trường Afghanistan không đại diện cho mối đe dọa đến an ninh quốc gia hay sự an toàn của quân đội.

 

Cuối cùng, vụ tiết lộ tài liệu có thể buộc Tổng thống Mỹ Barack Obama phải trổ tài hùng biện của mình để thuyết phục dư luận về tầm quan trọng về sự có mặt của quân đội Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan. Điều này là hoàn toàn có thể bởi từ lâu đã có rất nhiều ý kiến chỉ trích ông Obama về việc không trình bày cặn kẽ chiến lược của Chính phủ Mỹ trong việc vực dậy một Chính phủ Afghanistan yếu kém và đối đầu với sức mạnh đang ngày một gia tăng của Taliban.

 Một ca cấp cứu binh lính Mỹ bị thương tại chiến trường Afghanistan.

Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã hạ bớt tầm quan trọng của các tài liệu bị “bật mí” khi cho rằng “những thông tin không có giá trị”. Thay vào đó, chính quyền Washington lại chĩa mũi dùi vào người sáng lập trang web WikiLeaks.org là Julian Assange; báo động việc công bố thông tin của trang web WikiLeaks.org có thể là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với lực lượng của Mỹ và các đồng minh tại Afghanistan. Thư ký báo chí của Lầu Năm góc, Geoff Morrell, khẳng định: “Cái chưa có tiền lệ ở đây là quy mô và mức độ rò rỉ thông tin chứ nội dung thông tin tiết lộ thì chẳng có gì mới mẻ”.

 

Những thông tin thô của các tài liệu mật đã cho thấy nỗ lực của Mỹ tại chiến trường Afghanistan từ năm 2004 đến tháng 12-2009 (thời điểm ông Obama thông báo chiến lược mới cho cuộc chiến tại Afghanistan) bị mất phương hướng, không rõ ràng và không hiệu quả. Ví dụ như: Thông tin về những tội ác do chính các quan chức Chính phủ Afghanistan thực hiện như vụ một sĩ quan cảnh sát Afghanistan hiếp dâm một bé gái 16 tuổi vào mùa thu năm 2009. Rồi các tay súng Taliban lên kế hoạch chiếm đoạt một chiếc xe chở thực phẩm của quân đội Mỹ, bỏ thuốc độc rồi đưa về một căn cứ quân sự của Mỹ nhưng không xảy ra… Tất cả những thông tin trên, theo ông G.Morrell, đều thuộc loại thông tin thông thường, do các nhân viên cấp thấp đảm trách theo dõi, phân tích và sàng lọc trước khi đưa lên chỉ huy cấp cao hơn.

 

Ông G.Morrell cũng cho biết thêm, tại Lầu Năm góc, quy mô thông tin đã tiết lộ được quan tâm hơn là tính nhạy cảm của thông tin. Vì vậy, việc thông tin bị rò rỉ lần này chỉ được thông báo ngắn gọn trong khoảng 90 giây trong cuộc họp giao ban sáng giữa các tướng lĩnh cấp cao với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân rồi nhanh chóng được chuyển sang các vấn đề khác. Các quan chức Nhà Trắng cũng đồng ý với nhận định trên và cho rằng các thông tin liên quan đến việc quyết định tăng thêm quân hồi tháng 12 của Tổng thống Obama đã không được quan tâm đúng mức.

 

Trên thực tế, những thông tin rò rỉ đó đã được đăng tải đâu đó trên báo chí Mỹ trong nhiều năm qua. Thậm chí một số nhà báo Mỹ còn tung ra những loạt điều tra về các đội đặc nhiệm chuyên ám sát bắt cóc, hay những đợt không kích giết hại dã man dân thường Afghanistan. Còn về tin các quan chức Pakistan có liên hệ với Taliban, thì mới tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng công khai tuyên bố rằng trong Chính phủ Pakistan có người đang bắt tay với Taliban và biết Bin Laden đang ở đâu. Vì vậy, không phải nhờ các tài liệu này mà người ta mới biết những sự thật đó.

 

Theo Stephen Biddle, một thành viên của Hội đồng Đối ngoại Mỹ, người từng là cố vấn cho các chỉ huy Mỹ tại Afghanistan: “Chưa có đột biến nào đối với tình hình tại Afghanistan. Tuy nhiên, sẽ có những thay đổi tích cực trong thời gian tới và những chiến lược cơ bản tại Afghanistan sẽ không có gì thay đổi”.

 

Sai lầm trong chính sách

 

Chính phủ Mỹ cố tình hạ thấp tầm ảnh hưởng của những tài liệu này đối với chiến lược ở Afghanistan. Và vấn đề mà chính quyền quan tâm hiện nay là làm sao mà những tài liệu đó lại lọt ra ngoài. Dư luận lại quay trở lại những gì báo Washington Post công bố tuần trước về những yếu kém của các cơ quan tình báo Mỹ: bộ máy cồng kềnh, nhưng hiệu quả kém và giờ đây còn để lọt thông tin bên ngoài với một lượng lớn chưa từng có trong lịch sử tình báo.

 

Hầu hết nghị sĩ Quốc hội của 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phải mở một cuộc điều tra về vụ việc này. Trong khi đó, các quan chức Pakistan thì “giận tím mặt”, ra sức bác bỏ thông tin các mật vụ của Pakistan có quan hệ chặt chẽ với Taliban.

Nhưng không phải ai cũng đồng tình với cách lập luận của Nhà Trắng hay Lầu Năm góc. Anthony H. Cordesman, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu về chiến lược và quốc tế, cho hay: “Đối với bất kỳ ai đang theo dõi tình hình chiến trường Afghanistan, những báo cáo cho thấy sự diễn biến của cuộc chiến. Mỗi một sự kiện tại mỗi thời điểm khác nhau đều có ý nghĩa”. Một quan chức tình báo giấu tên ví rằng việc tiết lộ thông tin lần này cũng tương tự như việc “có được một chiếc ổ cứng và tra cứu được hết những dữ kiện được lưu lại từng ngày bên trong. Không có thông tin nào là thông tin vô giá trị”.

 

Tờ New York Times ngày 27-7 khẳng định rằng việc tiết lộ thông tin bị rò rỉ lần này có thể làm gia tăng sức ép đối với ông Obama trong chiến dịch bảo vệ chiến lược của ông tại Afghanistan trong bối cảnh Quốc hội Mỹ chuẩn bị thảo luận về vấn đề tài chính cho Afghanistan. Để duy trì sự ủng hộ cho chiến lược chống phiến quân dài hạn, Tổng thống Obama phải chứng minh rằng Afghanistan xứng đáng với “đồng tiền bát gạo” mà Mỹ bỏ ra. Vì vậy, chính quyền Obama giảm nhẹ mức độ quan trọng của thông tin, coi chúng là đồ bỏ trong khi Bộ Quốc phòng khiến dư luận tin rằng Mỹ đủ sức để ngăn chặn các rò rỉ tài liệu phân loại trong tương lai.

 

Trong khi đó, một số quan chức thì tỏ rõ sự mong muốn có thể sử dụng những thông tin rò rỉ về việc cơ quan tình báo Pakistan đi đêm với Taliban để gây sức ép lên chính phủ nước này yêu cầu hợp tác toàn diện hơn với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

 

Mặc dù cho rằng những thông tin trên chẳng có gì mới mẻ, nhưng một số nghị sĩ Dân chủ cũng phải thừa nhận rằng các báo cáo rò rỉ đã chỉ rõ một số thiếu sót trong chiến lược tại Afghanistan. Theo Nghị sĩ bang Massachusetts, ông John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Mỹ, “những chính sách hiện nay là có vấn đề và những thông tin rò rỉ trên đã chỉ ra những sai lầm đó, giúp chúng ta định hướng chính sách đúng đắn hơn”.

 

Vụ rò rỉ thông tin này mà trang web WikiLeaks cho rằng gần giống với tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ được báo Washingpost so sánh như vụ tiết lộ thông tin của chính quyền Johnson về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Những tài liệu bị tiết lộ năm 1971 cho thấy một khoảng cách khủng khiếp giữa những gì chính quyền công khai và những gì họ đã bí mật hành động. Những tài liệu đó được những người phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam lấy được và công bố, nên dư luận Mỹ cho rằng những tài liệu mà WikiLeaks có được có thể là do một nhóm phản đối chiến tranh lấy được và tung ra vào ngay thời điểm ông Obama chuẩn bị yêu cầu tăng thêm ngân sách cho cuộc chiến ở Afghanistan.

 

Chính phủ ông Obama bên ngoài có vẻ phớt lờ thông tin, nhưng theo Washington Post thì bên trong họ đang rối. “Chúng tôi không biết phải làm sao nữa. Vụ việc chắc chắn đã đem lại sự bất an cho Quốc hội và cử tri “, một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết. Tổng thống Obama đang đứng trước một sự lựa chọn rất khó khăn: ông phải tìm cách thuyết phục Quốc hội và dân chúng Mỹ rằng chiến lược chiến tranh của ông vẫn đang đi đúng hướng và đang hướng tới thành công hoặc nhanh chóng giới hạn sự hiện diện của người Mỹ tại Afghanistan.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=405
Quay lên trên