Tình trạng rò rỉ nước ở đập thủy điện sông Tranh 2 tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam khiến rất nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại...
Nứt đập thủy điện sông Tranh 2: Chuyên gia lo ngạiĐiều đáng nói là dù đơn vị chủ đầu tư và vận hành công trình này là Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) khẳng định, các dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đập và toàn bộ lưu lượng thấm đo được khoảng 30lít/giây không ảnh hưởng đến an toàn, ổn định đập, nhưng một số chuyên gia lại bày tỏ nhiều lo ngại.
Trước thông tin về hiện tượng thấm, rò rỉ nước qua thân đập thủy điện sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, sáng 19/3, GS.TS. Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học thủy khí Việt Nam, Tổ trưởng Bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi khoa xây dựng thủy lợi thủy điện, ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã có buổi thị sát bờ đập công trình thủy điện này. Qua khảo sát, Giáo sư Hùng khẳng định, hiện tượng thấm như thế này là điều không bình thường và về lâu dài nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn của công trình.
“Đây là dấu hiệu không bình thường vì nguyên tắc là không cho nước thấm qua đập bê tông. Nhưng hiện nay, nước chảy không theo quy trình mong muốn. Điều này không chỉ làm giảm tuổi thọ công trình, mà nếu có dư chấn sẽ làm đập toác ra, vỡ đột ngột…” - GS.TS. Nguyễn Thế Hùng cho biết.
Tại hiện trường, Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 đang triển khai giải pháp khắc phục bằng cách khoan các lỗ ở khe nhiệt ở khu vực phía mái đập để phun keo dính vào trong khe nhiệt nhằm hạn chế dòng chảy. Giáo sư Hùng cũng khẳng định, hiện tại đập vẫn đảm bảo an toàn, nhưng cần có ngay những giải pháp khắc phục mang tính bền vững, ổn định lâu dài hơn cho công trình. Hiện tại, do áp lực lớn của hồ nước bên trên nên phía dưới đã có những vòi nước chảy xì khá mạnh theo nguyên tắc bình thông nhau và cách ngăn dòng nước chảy ra từ phía mái đập sẽ rất khó khắc phục triệt để trong dài hạn.
Cũng theo giáo sư Hùng, giải pháp tích cực là thành lập đoàn khảo sát, tiến hành quan trắc, sau đó khoan để xác định thấm mức độ nào, sau đó dùng công nghệ phun xi măng, tương lai cần có giải pháp đề phòng động đất, dư chấn, mưa siêu tần suất… Bên cạnh đó, phải có dự báo để chính quyền và người dân lường trước, bố trí dân cư, xây dựng công trình nhà ở phía hạ lưu hợp lý, tránh thiệt hại lớn.
Trong công văn trả lời UBND tỉnh Quảng Nam và một số cơ quan báo chí mới đây, Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 cho biết, công trình đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Hội đồng nghiệm thu cấp EVN, Hội đồng nghiệm thu cơ sở, cơ quan thiết kế là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Điện 1 đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình. Việc xử lý thấm của đập để làm giảm tổng lượng thấm nêu trên nhằm mục đích để chất lượng công trình được tốt hơn.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, ngày 21-3 sẽ cử đoàn công tác lên thủy điện sông Tranh 2 ghi nhận hiện trường.
Theo VOV