OCOP và du lịch nông thôn

Cập nhật: 16-12-2022 | 08:42:00

 Lợi thế của Bình Dương khi triển khai chương trình OCOP là phần lớn các sản phẩm chủ lực đã được các địa phương xúc tiến đăng ký các sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình, tập trung ở 6 nhóm sản phẩm chính (thực phẩm; đồ uống; dược liệu; vải và may mặc; trang trí, nội thất, lưu niệm; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch). Đối với nhóm sản phẩm trồng, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung chủ yếu vào một số sản phẩm đặc trưng như bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, rượu bưởi, cam sành, chuối, măng cụt, hoa lan, sơn mài, gốm sứ, chạm trổ điêu khắc… Hiện nay đã có 47 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tỉnh; trong đó, có 8 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại đạt 3 sao. Sau khi được công nhận OCOP đã tạo điều kiện cho các sản phẩm tiêu thụ tốt hơn và thu nhập của nông dân, doanh nghiệp tăng lên.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì cũng tồn tại những khó khăn. Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia, chưa tập trung đến các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, hoạt động xúc tiến thương mại còn rời rạc, manh mún, thiếu đồng bộ.

Tại hội thảo giải pháp phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn trong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vừa qua, đại biểu các tỉnh, thành đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn và kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP gắn với du lịch nông thôn trong xây dựng NTM tại các địa phương. Đồng thời đưa ra các giải pháp, kiến nghị để phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, các điểm du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề…

Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra các giải pháp nhằm phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025. Chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể; tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản mang tính đặc trưng của từng địa phương, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa; hình thành sản phẩm tích hợp. Liên kết các sản phẩm tạo sự đa dạng và nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt sản phẩm làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung xây dựng các điểm đến, các sản phẩm du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa, đa dạng hóa các sự kiện, lễ hội, diễn đàn để giới thiệu và kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, phát triển mở rộng mô hình homestay thành village stay, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn.

PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên