Ngày 22-6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức công bố quyết định tái bổ nhiệm ông Bùi Văn Nu giữ chức vụ Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương. Đây là nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp ông Bùi Văn Nu được giao giữ trọng trách này. Bên lề buổi lễ công bố quyết định nói trên, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trò chuyện cởi mở với ông Bùi Văn Nu...
- Trước hết xin chúc mừng ông, nhân tiện xin ông cho biết cảm tưởng khi lần thứ ba liên tiếp được NHNN tái bổ nhiệm chức vụ Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương?
- Trong quá trình công tác tôi luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được Đảng và Nhà nước giao. Qua đó, được ban cán sự Đảng, tập thể ban lãnh đạo, Thống đốc NHNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy... tín nhiệm tiếp tục tái bổ nhiệm chức vụ Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương. Có thể nói đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn đối với bản thân tôi, đặc biệt là trong thời điểm đang thực hiện một số chủ trương chiến lược phát triển ngành NH, tái cấu trúc lại ngành NH, thực hiện các chủ trương về chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam... như hiện nay.
- Ông có thể nói rõ hơn về những nhiệm vụ trọng tâm của cá nhân ông và ngành giao phó trong nhiệm kỳ mới 2012-2017?
- Những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay và trong nhiệm kỳ tới của tôi, thứ nhất là làm tốt nhiệm vụ của NHNN giao là thực hiện chính sách tiền tệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương; thứ hai là tham gia quản lý Nhà nước và điều hành hoạt động ngành NH trên địa bàn tỉnh sao cho đúng định hướng, có hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó là tham mưu kịp thời, hiệu quả cho lãnh đạo địa phương và NHNN về tình hình tiền tệ, hoạt động của hệ thống NH, tín dụng, tài chính ở địa phương; phản ảnh tâm tư, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại địa phương...
- Trong nhiệm kỳ tới ông sẽ ưu tiên tập trung vào nhiệm vụ nào nhiều nhất?
- Nhiệm vụ trọng tâm của tôi trong nhiệm kỳ mới mà cũng là cấp bách hiện nay là thực hiện nghị quyết của Chính phủ trong tập trung kiềm chế lạm phát, sau đó từng bước góp phần điều tiết kích thích sự phát triển của kinh tế - xã hội trên địa bàn mình phụ trách. Trước hết là quản lý điều hành hoạt động của các NH tại Bình Dương sao cho ổn định, hiệu quả, bền vững, đáp ứng tốt yêu cầu của DN, của nhân dân. Đó là mục tiêu mà tôi sẽ ưu tiên hàng đầu hiện nay và cả trong thời gian tới.
- Có thông tin cho rằng, từ nay đến cuối năm lãi suất NH sẽ còn giảm. Điều này sẽ có tác động như thế nào đối với kinh tế địa phương, nhất là với các DN?
- Điều hành chính sách lãi suất là hoạt động mang tầm vĩ mô và NHNN sẽ xem xét rất nhiều vấn đề mới quyết định trần lãi suất như thế nào cho phù hợp. Tôi nghĩ rằng việc điều chỉnh lãi suất giảm trong thời gian qua xuất phát từ việc kiềm chế lạm phát của chúng ta ở mức độ thấp. Nên đây là điều kiện tiên quyết để NHNN quyết định hạ lãi suất. Thứ hai, việc hạ lãi suất có tác động rất quan trọng là tạo điều kiện lãi suất cho vay giữa NH và DN ở mức độ thấp, góp phần giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy các DN phục hồi nhanh hơn sau khi trải qua ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Đương nhiên, điều này sẽ tác động tích cực vào tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông Bùi Văn Nu (trái) đón nhận quyết định tái bổ nhiệm từ đại diện lãnh đạo NHNN Việt Nam
Tuy nhiên, việc thông tin thiếu chính xác từ dư luận về mặt bằng lãi suất sẽ làm cho thị trường thiếu ổn định, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung. Như đã nói, việc điều hành lãi suất là một chính sách quan trọng của Chính phủ, NHNN, ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khỏe” của nền kinh tế nên sẽ không có chuyện điều chỉnh tùy tiện. Theo tôi biết, NHNN đã định hướng lãi suất từ nay đến cuối năm theo hướng ổn định.
- Ông có thể cho biết việc áp dụng trần lãi suất huy động mới 9% tại các NH ở Bình Dương như thế nào kể từ khi có quyết định?
- Từ hoạt động của bộ máy thanh tra, kiểm tra của NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương đối với các NH trên địa bàn cho thấy các NH tại Bình Dương thực hiện tốt, chấp hành nghiêm chỉnh thông tư quy định về lãi suất. Mặc dù lãi suất hạ, nhưng việc huy động tiền gửi của các NH cũng ổn định, không giảm, chứng tỏ việc huy động nguồn vốn ở địa phương là bình thường. Đứng về góc độ quản lý Nhà nước về NH và tiền tệ, tôi thấy mừng khi lãi suất huy động hạ kéo theo lãi suất cho vay hạ. Điều này sẽ giúp cho các NH phục vụ tốt hơn nhu cầu của DN; đồng thời qua đó DN có điều kiện tốt hơn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế. Thành công của DN cũng là thành công của ngành NH, bởi đây là mối quan hệ gắn bó, khó thể tách rời nhau.
- Qua 2 nhiệm kỳ, ông đánh giá như thế nào về thách thức, khó khăn mà hệ thống NH Bình Dương đang đối mặt và ông sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Thách thức, khó khăn thứ nhất mà hệ thống NH trên địa bàn Bình Dương đang phải đối mặt theo tôi là chất lượng dịch vụ. Do vậy, các NH phải rà soát và có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ của mình nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của DN, của nhân dân. Thứ hai, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 50 chi nhánh NH và hơn 100 phòng giao dịch, chưa kể các tổ chức tín dụng. Con số này là rất nhiều và trong quá trình hoạt động thì sự cạnh tranh là khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là cạnh tranh phải lành mạnh, đúng khuôn khổ luật định. Nhiệm vụ của NHNN là tạo môi trường để các NH cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở làm tăng tiện ích; phong cách phục vụ và bảo đảm an toàn trong hoạt động của NH. Thứ ba là trong tình hình DN chưa hết khó khăn như hiện nay thì vấn đề nợ xấu của NH sẽ tăng cao. Vì vậy việc xử lý nợ xấu của NH sẽ được tập trung, nhưng làm sao xử lý tốt vấn đề trên mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN và tình hình kinh tế của tỉnh cũng sẽ được chúng tôi cân nhắc. Nói tóm lại, để giải quyết được ba vấn đề thách thức nói trên là không dễ và chúng tôi cũng đã xác định sẽ xử lý từng bước, để đi dần đến giải quyết triệt để những thách thức.
- Xin cảm ơn ông, chúc ông tiếp tục gặt hái những thành công trong nhiệm kỳ mới!
CHÍ THANH (thực hiện)