Dầu Tiếng đã bứt phá ngoạn mục để trở thành huyện đầu tiên đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Đóng góp vào thành quả đó là sự chung tay của toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân và các thành phần kinh tế. Để làm rõ vai trò của kinh tế tập thể trong sự phát triển của địa phương, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Dân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện Dầu Tiếng.
Khai thác tiềm năng, lợi thế, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả. Trong ảnh: Khách du lịch thưởng thức đặc sản măng cụt Dầu Tiếng tại một trang trại ở xã Thanh Tuyền
- Xin ông cho biết một số thành tựu của kinh tế tập thể địa phương thời gian qua?
- Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, thời gian qua huyện đã tích cực hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận và tham gia các mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, trên địa bàn huyện có 71 tổ hợp tác với 647 thành viên và 24 hợp tác xã (HTX) với 228 thành viên hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực. Từ đầu năm đến nay, huyện có thêm 4 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã thành lập mới.
Thành phần kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Dầu Tiếng hoạt động trong khá nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, hoạt động ổn định và hiệu quả nhất có thể kể đến một số nhóm ngành nghề, như: Quỹ tín dụng nhân dân, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ… Trong đó, hiệu quả nhất có thể kể đến là Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Tuyền với nhiều hình thức hỗ trợ vay vốn, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhanh chóng. Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Tuyền là một trong những đơn vị làm ăn hiệu quả và tạo ảnh hưởng tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đời sống người dân.
Ngoài ra, hiện trên địa bàn huyện còn có 15 HTX hoạt động ổn định, hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiêu biểu trong số này có thể kể đến là HTX Nông nghiệp sạch Minh Hòa Phát, HTX Tâm Phát… Sau khi đi vào hoạt động ổn định, các đơn vị đã chuyển đổi và mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng các chủng loại cây trồng, cung cấp các cây giống, vật tư nông nghiệp cho các đơn vị khác. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ dù vẫn còn gặp phải một số khó khăn trong việc phục hồi và tăng trưởng trở lại sau dịch Covid-19 nhưng tinh thần chung là hoạt động ổn định. Trong đó, có 5 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng tốt.
- Ông có thể đánh giá vai trò của kinh tế tập thể đối với kinh tế - xã hội và đời sống người dân, thưa ông?
- Với những tiềm năng, lợi thế riêng biệt về nông nghiệp, huyện Dầu Tiếng đã và đang là “miền đất hứa” đối với các HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực này. Thời gian qua, loại hình HTX, tổ hợp tác nông nghiệp thành lập, đi vào hoạt động khá hiệu quả và chiếm đa số trong thành phần kinh tế tập thể trên địa bàn huyện.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, thời gian qua Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện đã gắn vấn đề phát triển quy mô, chất lượng thành phần kinh tế tập thể với các chương trình phát triển quốc gia như xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững… Qua đó, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các mô hình kinh tế hiệu quả, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và hình thành cộng đồng phát triển kinh tế bền vững, hiệu quả.
Tốc độ phát triển của huyện Dầu Tiếng còn khá khiêm tốn, nhưng nếu so sánh với chính huyện Dầu Tiếng của những năm về trước thì đã có sự đột phá. Hiện nay, thu nhập trung bình của người dân đã được tăng cao so với trước, chất lượng cuộc sống người dân cũng được nâng lên từng ngày theo tiêu chí NTM. Từ đó tạo nên những chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế cho thành viên ban quản trị các HTX, tổ hợp tác và bà con xã viên. Đây cũng là động lực, tiền đề quan trọng giúp nâng tầm thương hiệu nông sản huyện Dầu Tiếng và chất lượng cuộc sống của người dân.
- Xin ông cho biết định hướng phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn?
- Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục quán triệt các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, huyện tích cực tuyên truyền, vận động để người dân thấy được đây là một trong những thành phần kinh tế hiệu quả, ý nghĩa và mang tầm chiến lược giúp người dân tăng thu nhập và tiến tới làm giàu trên mảnh đất quê hương. Huyện cũng sẽ quan tâm và ưu tiên nguồn lực về vốn, phối hợp chặt chẽ với sở, ngành để đưa ra các giải pháp giúp bà con xã viên tiếp cận nguồn vốn, dây chuyền sản xuất hiện đại và các điều kiện cơ sở vật chất sản xuất khác.
Ngoài ra, huyện cũng đưa ra phương án cụ thể cho chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, tăng cường giao lưu, học tập mô hình kinh tế hiệu quả cho đội ngũ quản trị và thành phần có liên quan kinh tế tập thể để người dân và xã viên hiểu rõ tính ưu việt của kinh tế tập thể, từ đó ủng hộ, tham gia. Chúng tôi cũng có kế hoạch và thường xuyên cử các đoàn công tác thăm, làm việc trực tiếp tại các HTX, tổ hợp tác để nắm bắt các khó khăn, kiến nghị, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp trên có phương án tháo gỡ, hỗ trợ hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!
Tốc độ phát triển của huyện Dầu Tiếng còn khá khiêm tốn, nhưng nếu so sánh với chính huyện Dầu Tiếng của những năm về trước thì đã có sự đột phá. Hiện nay, thu nhập trung bình của người dân đã được tăng cao so với trước, chất lượng cuộc sống người dân cũng được nâng lên từng ngày theo tiêu chí NTM. |
ĐÌNH THẮNG (thực hiện)