Ông Lê Tấn Tây, Giám đốc Ngân hàng Đông Á - chi nhánh Bình Dương: Nới lỏng biên độ tỷ giá là hợp lý

Cập nhật: 11-05-2015 | 08:16:19

Ngày 7-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định nới lỏng biên độ tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng lên 1%. Trước đó, ngày 7-1, NHNN cũng đã quyết định tăng tỷ giá trao đổi ngoại tệ lên 1%. Như vậy, sau 2 lần nới lỏng biên độ tỷ giá thì mức tăng đã “chạm trần” so với cam kết của NHNN trong năm 2015 là 2%. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tấn Tây, Giám đốc Ngân hàng Đông Á - Chi nhánh Bình Dương.

- Ông có ý kiến gì về quyết định nới lỏng biên độ tỷ giá trao đổi ngoại tệ liên ngân hàng của NHNN vừa qua?

- Bức tranh toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2015 có sáng hơn so với các năm trước. Trong nước, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng là tín hiệu đáng mừng.

Ở tầm khu vực, một số nước có nền kinh tế giống Việt Nam ngay từ đầu năm đã có những động thái “phá giá” đồng tiền nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, nhanh chân chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Tín hiệu này đã xuất hiện khi một số nhà sản xuất, xuất khẩu lên tiếng yêu cầu tăng biên độ tỷ giá, trong khi một số nhà sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu lại có mong muốn ngược lại. Từ đó xuất hiện tâm lý: Người có ngoại tệ thì muốn găm giữ chờ tăng giá; người cần có ngoại tệ thì nao núng sợ tăng giá sẽ bị thiệt hại. Từ đây có thể xuất hiện bên thứ ba là người “đầu cơ”.

Để khai thông thị trường, giải quyết tâm lý của nhiều đối tượng trong bối cảnh chung của nền kinh tế hiện tại thì quyết định của NHNN là kịp thời và rất đúng.

- Cam kết của NHNN là trong năm 2015, biên độ tỷ giá sẽ ổn định ở mức 2%. Nhưng chỉ sau 2 lần điều chỉnh, mới qua 5 tháng đầu năm biên độ đã “chạm trần”. Ý kiến của ông về kết quả này như thế nào?

- Việc chủ động làm mất giá đồng tiền khác hoàn toàn với việc đồng tiền tự mất giá. Ví dụ, tình hình chính trị không ổn định ở Ucraina đã khiến đồng tiền nước này bị mất giá, kéo theo một số thể chế tiền tệ liên quan cũng bị ảnh hưởng. Còn đồng yên của Nhật Bản từ đầu năm đến giờ đã mất giá đến 20% so với đồng đô-la Mỹ; nhưng đây là sự chủ động làm mất giá đồng tiền nhằm làm tăng lợi thế cạnh tranh, bảo đảm chiến lược phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Tôi nghĩ, quyết định của NHNN Việt Nam cũng không ngoài mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp vì sự phát triển của nền kinh tế trong quá trình hội nhập và phát triển.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ có tác động đến giá cả sinh hoạt trong thời gian tới. Ông dự đoán gì về tình hình giá cả sắp tới?

- Mọi sự thay đổi đều có tác động nhất định với độ trễ nhất định. Chẳng hạn, đầu năm ngành điện đã có quyết định tăng giá, sau đó là nước và một số mặt hàng thiết yếu khác. May mắn khách quan là từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu ổn định ở mức thấp nên người tiêu dùng, nhà sản xuất được hưởng lợi. Nhưng từ đây, mọi thứ đã có sự thay đổi để bắt đầu cho một hành trình mới. Đó là quy luật vận động của thị trường, có tăng thì có giảm và ngược lại.

Sau quyết định nới lỏng biên độ tỷ giá cũng như điều chỉnh giá bán điện, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các Sở Tài chính tăng cường công tác kiểm tra tình hình giá cả thị trường nhằm tránh tăng giá tùy tiện, tăng giá cơ hội. Nên tới đây, thị trường sẽ xác lập mặt bằng giá mới là chắc chắn, nhưng phải bảo đảm hợp lý và được kiểm soát chặt chẽ.

- Có ý kiến cho rằng, xăng, điện tăng giá thì bó rau, con cá cũng tăng. Ý kiến của ông như thế nào về sự so sánh này?

- Đã là quy luật thì tác động luôn mang tính dây chuyền, nhưng mang người nghèo, người buôn bán bán lẻ ra để chứng minh cho khái niệm và sự vận động vĩ mô của nền kinh tế là chưa xác đáng. Ví dụ, bó rau muống trước đây là 3.000 đồng giờ điều chỉnh lên 5.000 đồng thì đúng là mức tăng quá lớn, nhưng xét về giá trị lại không đáng là bao; trong khi người nông dân phải trả tiền mua giống, vật tư, phân bón và cả công lao động với giá cao. Nếu tôi là người bán rau để kiếm sống với mức thu nhập trung bình mỗi ngày là 100.000 đồng thì tôi phải bán khoảng 50 bó rau/ngày mới đủ sống, trong khi thu nhập bình quân của một công nhân bình thường đã trên 100.000 đồng/ngày rồi. Nếu ai cũng bán 3.000 đồng/ bó rau mà có người bán 5.000 đồng/bó sẽ bị tẩy chay ngay. Vấn đề là tăng giảm phải hợp lý mới được thị trường chấp nhận.

Trở lại vấn đề, dù thị trường có biến động thế nào thì bên cạnh sự khó khăn luôn có cơ hội thuận lợi nếu chúng ta biết cách tiếp cận và nắm bắt tốt. Hiện nay, nền kinh tế nước ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, hàng hóa Việt Nam đã tạo được uy tín với khách hàng. Điều quan trọng cần tập trung là ổn định sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm, tạo lòng tin, uy tín ở khách hàng.

DUY CHÍ (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=969
Quay lên trên