Ông Nguyễn Chí Trung, Bí thư huyện ủy Dầu Tiếng: Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình hành động gắn với 5 chương trình đột phá

Cập nhật: 13-03-2019 | 08:50:03

Dầu Tiếng là địa phương giàu truyền thống cách mạng với những tên đất, tên làng gắn với nhiều chiến công oanh liệt đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ sau ngày giải phóng, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Dầu Tiếng đã phát huy truyền thống cách mạng, năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế để vượt qua khó khăn, thử thách đưa huyện nhà không ngừng phát triển về mọi mặt. Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng Dầu Tiếng (13.3.1975 - 13.3.2019) phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chí Trung, Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng về những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực của huyện, nhất là thành tựu trong hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 và một số định hướng phát triển của huyện trong thời gian tới.

 Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp sẽ tạo thuận lợi cho huyện Dầu Tiếng phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn

- Thưa ông, 44 năm sau ngày giải phóng, từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Dầu Tiếng hôm nay đã có những bước chuyển mình phát triển mạnh mẽ. Ông có thể cho biết một số thành tựu nổi bật của huyện từ sau ngày giải phóng đến nay?

- Dầu Tiếng sau 44 năm ngày giải phóng đến nay đã có những bước chuyển mình và phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Kinh tế - xã hội không ngừng phát triển về mọi mặt, quốc phòng - an ninh được giữ vững và ổn định, hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và phát triển vững chắc, kinh tế của huyện có mức tăng trưởng liên tục, tổng giá trị sản xuất trong huyện (GRDP) bình quân tăng 10%/năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm 10%. Trong đó, cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng đạt 40,06%, thương mại - dịch vụ đạt 31,79%, nông nghiệp đạt 28,15%; kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 50,6 triệu đồng/người/năm, tỷlệlao động cóviệc làm thường xuyên trên địa bàn huyện đạt trên 97%, tỷlệhộnghèo chỉ còn 1,98% (theo phương pháp đa chiều); thu ngân sách hàng năm bình quân tăng 11% (nghị quyết 10%). Năm 2015, huyện được công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới” đầu tiên của tỉnh Bình Dương; các thiết chế văn hóa - xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng tăng lên, cơ sở hạ tầng khang trang và môi trường sống nông thôn tốt hơn.

- Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ huyện xác định mục tiêu phát triển đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ… Sau hơn 3 năm thực hiện nghị quyết đại hội, huyện đã đạt được những kết quả quan trọng nào, thưa ông?

- Huyện luôn quán triệt việc xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện “tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và kế hoạch thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016- 2021; trong đó, tập trung quy hoạch các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn trái, chăn nuôi tập trung quy mô lớn tại các xã phía bắc, vùng phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao ở khu vực phía nam gắn với triển khai thực hiện tốt các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái là hướng ưu tiên để phát triển.

Hiện nay, huyện đang thực hiện Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền và kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020; xây dựng “Nhãn hiệu tập thể cây măng cụt huyện Dầu Tiếng” đã cấp được giấy chứng nhận VietGAP cho 6,6 ha vùng cây ăn quả đặc sản (măng cụt) xã Thanh Tuyền và tiếp tục đầu tư 22 ha còn lại tại xã Thanh Tuyền.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng liên doanh với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I thực hiện dự án đầu tư trồng chuối cấy mô tại xã Thanh An, với diện tích 200 ha; đồng thời tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với 800 ha ở Minh Thạnh (dọc kênh Phước Hòa - Dầu Tiếng). Người dân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 27 ha; triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh các loại cây có múi (bưởi da xanh, cam xoàn, cam sành, quýt đường) đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở xã Minh Hòa và Minh Thạnh” với tổng diện tích thực hiện mô hình 10 ha, trong đó có 3 ha trồng mới.

Đối với cây rau, tổng diện tích rau sản xuất 7,4 ha. Trong đó, rau ăn lá và rau ăn quả 5,72 ha, rau trồng trong nhà lưới kính 1,2 ha tại xã Minh Tân, dưa lưới trồng theo hướng kỹ thuật cao 1,0 ha tại xã An Lập; sinh vật cảnh đã phát triển tại các xã với diện tích khoảng 11 ha; diện tích trồng nấm ăn, nấm dược liệu và sản xuất phôi nấm với diện tích 2 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực sinh vật cảnh có ứng dụng khoa học kỹ thuật đạt 900 triệu đồng/ha/ năm, lợi nhuận 500 triệu đồng/ha/ năm. Ngành chăn nuôi phát triển theo định hướng tập trung, đến nay toàn huyện có 214 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (trang trại lạnh) là 146 trang trại, chiếm 69% tổng số trang trại trên toàn huyện; Công ty TNHH Thực phẩm 3F Việt đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm theo hướng tự động gắn với bảo vệ môi trường tại ấp Kiến An, xã An Lập.

Việc triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả khả quan, tạo tiền đề cho việc triển khai nhân rộng trong những năm tiếp theo.

- Thưa ông, thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2015-2020 không còn nhiều, xin ông cho biết những lĩnh vực, chỉ tiêu nào huyện cần tập trung thực hiện để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020?

- Huyện ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số chỉ tiêu chưa đạt qua đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ đã chỉ ra, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ sẽ thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu còn lại. Bên cạnh đó, sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động của Tỉnh ủy gắn với 5 chương trình đột phá của Huyện ủy còn lại của nhiệm kỳ 2015-2020; đồng thời tiếp tục mời gọi đầu tư, phát triển du lịch tạo nên những động lực mới để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và bền vững của huyện.

Về xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã phấn đấu nâng cao các tiêu chí theo bộ tiêu chí của Trung ương và của tỉnh giai đoạn 2017- 2020; phấn đấu đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020 có 2 - 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình hành động của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện giai đoạn 2016-2020, gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao hơn nữa tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp; phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nhất là phát triển vùng cây măng cụt ở huyện.

Về phát triển đô thị, huyện tiếp tục thực hiện tốt các nội dung của chương trình phát triển đô thị huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2016-2020; rà soát, nâng cấp các tiêu chí mềm và tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình bảo đảm đáp ứng các tiêu chí còn lại để Long Hòa, Bến Súc, Minh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại V vào năm 2020 theo đúng kế hoạch đề ra. Riêng thị trấn Dầu Tiếng chưa thể đạt đô thị loại IV vì vướng một số tiêu chí về dân số (trong đó có tiêu chí số 2 về quy mô dân số và tiêu chí số 3 về mật độ dân số còn rất thấp so với quy định của đô thị loại IV).

Về công tác tổ chức, cán bộ, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thành công Đề án số 02 của Ban Thường vụ Huyện ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị huyện Dầu Tiếng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đúng theo đề án Tỉnh ủy đã phê duyệt; tiếp tục kiện toàn nhân sự và điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn còn lại của giai đoạn 2018-2020, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; tiếp tục tham mưu rà soát, điều chỉnh tạo nguồn quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ huyện, Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

- Xin cảm ơn ông!

 Chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông

 Chủ trương của tỉnh luôn xác định phát triển hệ thống giao thông bảo đảm kết nối vùng để phát triển kinh tế - xã hội. Ở Dầu Tiếng vấn đề kết nối giao thông vùng cũng sẽ tạo ra những cơ hội phát triển của khi hệ thống giao thông được đầu tư hoàn chỉnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Nguyễn Chí Trung, Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng cho biết, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, kết nối phát triển vùng, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai cho các đơn vị trực thuộc thực hiện; đồng thời tổ chức huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các hộ gia đình tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện, gắn với kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông của huyện ngày càng hoàn thiện. Trong đó, tỷ lệ đường nhựa, bê tông nhựa, bê tông xi măng đạt tỷ lệ cao: Đường đô thị 49.69/59.21km; đường huyện quản lý 144.81/170.25km; đường xã quản lý 93.3/651.46km. Vốn huy động từ nhân dân để thực hiện phong trào làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị thời gian qua đạt trên 10 tỷ đồng.

Cũng theo ông Trung, hệ thống giao thông của huyện đã bảo đảm, giao thông kết nối liên xã luôn được xây dựng và duy tu sửa chữa kịp thời; hệ thống các tuyến đường ĐT trên địa bàn huyện kết nối với các huyện, thị trong tỉnh và tỉnh bạn được đầu tư xây dựng khang trang, giao thông thuận lợi đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện. Hiện nay, huyện đang tập trung phối hợp với các ngành của tỉnh trong công tác khảo sát, lập dự án đầu tư tuyến đường giao thông từ Bình Dương kết nối với tỉnh Tây Ninh (dự án đã được tỉnh thống nhất chủ trương triển khai thực hiện), mở rộng đường từ TX.Bến Cát lên xã Long Hòa để trình cấp thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phối hợp làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi dự án được triển khai. Việc đầu tư tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng và sẽ mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho huyện Dầu Tiếng trong những năm tới. Bên cạnh đó, huyện sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường từ thị trấn Dầu Tiếng lên núi Cậu - bán đảo Tha La, xã Định Thành để phát triển du lịch...

Đ.HẬU

TRÍ DŨNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=467
Quay lên trên