Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh: Thủ đoạn sản xuất, mua bán hàng giả ngày càng tinh vi

Cập nhật: 28-10-2014 | 08:31:51

Các lực lượng chức năng Bình Dương vừa bắt được vụ buôn bán và sản xuất hàng giả thông qua sự phối hợp nhịp nhàng từ nhiều phía. Đây là thành quả tốt và đã được công an khởi tố vụ án. Qua sự việc, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh chia sẻ, để công tác phối hợp được thường xuyên và hiệu quả trong thời gian tới, rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, những vụ bắt giữ và xử lý có hiệu quả như vậy không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng tích cực trong việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình. Còn một số người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng giả lại cho là chuyện nhỏ, không tích cực phản ảnh cho cơ quan chức năng để bảo vệ chính mình và những người khác. Trong khi đó, thủ đoạn của những cá nhân, tổ chức sản xuất, mua bán hàng giả ngày càng tinh vi. Họ lựa chọn những thời điểm vào ban đêm; chọn những nơi ngõ vắng hoặc đông đúc như nhà trọ có nhiều ngõ, nhiều lối để làm hàng giả. Như vậy, phải có sự hỗ trợ, phát hiện, phản ảnh của người dân thì cơ quan chức năng mới có thể bắt giữ.

- Thưa ông, làm thế nào để người tiêu dùng phân biệt đâu là hàng giả, hàng thật?

- Hàng giả có thể tạm chia thành 2 loại: Giả về nội dung và giả về hình thức. Muốn xác định hàng giả nội dung thì phải có quá trình xét nghiệm, giám định, đối chứng với những quy chuẩn kỹ thuật của Nhà nước đặt ra và tiêu chuẩn cơ sở do nhà sản xuất công bố. Vì vậy, việc xác định hàng giả về nội dung phải theo những trình tự thủ tục do pháp luật quy định. Đối với hàng giả về hình thức, thực chất đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các DN chân chính, vì vậy các DN này phải thực sự quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả và thực hiện các thủ tục xác nhận để cơ quan chức năng mới xử lý được. Như vậy, người tiêu dùng khi có nghi vấn hàng giả nên phản ảnh cho cơ quan chức năng, từ đó có thể thực hiện các thủ tục xác nhận hàng thật, giả và tiến hành kiểm tra xử lý theo quy định pháp luật.

- Để giảm bớt vấn nạn hàng giả cần có những biện pháp phối hợp đối phó như thế nào, thưa ông?

- Tôi cho rằng, cần thiết phải hình thành một ban chỉ đạo hoạt động thực sự hữu hiệu để gắn kết các cơ quan thực thi trong hoạt động chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hoạt động thực thi của các cơ quan chức năng mặc dù có tích cực đến đâu thì kết quả mang lại vẫn còn hạn chế nếu không có sự hỗ trợ, phối hợp của DN chân chính và người tiêu dùng. Trong đó, người tiêu dùng cũng chính là các thành viên của các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội nghề nghiệp. Bên cạnh đó, DN sản xuất chân chính có thể cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan chức năng và người tiêu dùng về sự phân biệt hàng thật, hàng giả đối với chính sản phẩm của mình. Một số DN rất tích cực trong công tác chống hàng giả như cung cấp thông tin, khảo sát tình hình thị trường, lên kế hoạch cùng cơ quan chức năng “đánh” hàng giả. Còn người tiêu dùng có tích cực phản ảnh, chính xác, kịp thời cho cơ quan chức năng thì cơ quan chức năng mới có thể kiểm tra, xử lý nghiêm cá nhân tổ chức sản xuất, kinh doanh giả, vừa bảo vệ quyền lợi của chính mình và kể cả quyền lợi của cộng đồng. Ngoài ra, một thành phần có vai trò vô cùng quan trọng đó chính là các cơ quan truyền thông. Nhiều vụ việc các phóng viên báo, đài đã đeo bám, là cầu nối liên lạc giữa DN chân chính, người tiêu dùng với cơ quan chức năng chống hàng giả với kết quả rất khả quan. Tóm lại, cần có sự hỗ trợ, phối hợp giữa DN chân chính, cơ quan truyền thông, người tiêu dùng với cơ quan thực thi thì công tác chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mới đạt hiệu quả tốt nhất.

Vụ bắt giữ đối tượng mua bán và sản xuất mỹ phẩm giả vừa qua của các lực lượng Bình Dương là một điển hình trong sự phối hợp

- Theo ông thì cần những giải pháp gì để giảm được nguy cơ hàng giả xâm lấn thị trường?

- Theo kinh nghiệm nhiều năm công tác, vấn nạn hàng giả không chỉ có ở Việt Nam mà ngay cả những nước tiên tiến trên thế giới đều bị tình trạng hàng giả. Công cụ đầu tiên hiệu lực và hiệu quả là các quy định pháp luật, vì hiện nay các quy định pháp luật hiện hành về hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có rất nhiều, nhưng vẫn còn trùng lắp, chồng chéo, khó thực hiện. Vấn đề thứ hai là giải pháp đầu tư, đội ngũ cán bộ thực thi được trang bị đầy đủ kiến thức về chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kèm theo đó là những trang thiết bị để phục vụ công tác này.

Giải pháp kế tiếp chính là công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho các đối tượng có liên quan. Đầu tiên đó chính là DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có nhận thức đầy đủ về việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu của mình, luôn luôn quan tâm đến công tác chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm do mình sản xuất ra. Đối tượng thứ hai vô cùng quan trọng đó chính là người tiêu dùng, cần nhận thức rõ khi lựa chọn mua hàng chính hãng là cách thiết thực bảo vệ quyền lợi của chính mình và góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Giải pháp cuối cùng chính là sự tăng cường, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những cá nhân và tổ chức vì nguồn lợi bất chính, bất chấp thủ đoạn để sản xuất, mua bán các loại hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những DN chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng.

- Xin cảm ơn ông!

 

 

 HỒ VĂN (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết
Tags
hang gia

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2064
Quay lên trên