Phải hài hòa lợi ích kinh doanh

Cập nhật: 14-10-2022 | 07:47:47

 Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng khá nhiều cây xăng đóng cửa là do giá xăng dầu có xu hướng tăng giảm thất thường nên một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chờ đợi nhập hàng sau thời điểm công bố giá, dẫn đến tình trạng xăng, dầu nhập về cơ sở kinh doanh chậm trễ. Thêm vào đó, do tình hình giá cả được điều chỉnh để ổn định kinh tế vĩ mô nên các doanh nghiệp nhập khẩu không có lãi, dẫn đến việc chiết khấu thấp cho các đại lý nhượng quyền dẫn đến tình trạng “càng bán càng lỗ”!

Và điều đó dẫn đến hệ quả là rất nhiều doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để bù đắp chi phí thực tế phát sinh. Các thương nhân nhận quyền bán lẻ, thương nhân phân phối hoạt động cầm chừng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trên thị trường phân phối xăng dầu nội địa, gây bất ổn cho hoạt động sản xuất của nền kinh tế và nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Để đối phó với các đoàn kiểm tra, các cơ sở kinh doanh xăng dầu đưa ra được lý do, như đang tiếp nhiên liệu vào bồn, hết xăng còn dầu, tạm nghỉ để sửa chữa lại cửa hàng…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với các đại lý bán lẻ, hiện nay Nhà nước không quy định chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên. Chiết khấu xăng dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng, năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp, số lượng các kênh trung gian trong hệ thống kinh doanh xăng dầu và sự phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống. Khi nguồn cung dồi dào, giá thế giới có xu hướng giảm thì doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối tăng chiết khấu cho cửa hàng, đại lý bán lẻ để đẩy mạnh lượng hàng bán ra. Ngược lại, khi giá thế giới tăng, doanh nghiệp đầu mối sẽ giảm mức chiết khấu này.

Để không còn tình trạng giá xăng hạ thì người tiêu dùng “đứng máy” xảy ra trong thời gian tới, các đại lý nhượng quyền, cửa hàng bán lẻ kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp kịp thời để ổn định thị trường xăng dầu trong nước, “trợ lực” cho doanh nghiệp bán lẻ, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho người dân. Theo đó, Bộ Tài chính, Bộ Công thương cần tính toán mức chi phí mà doanh nghiệp bán lẻ phải bỏ ra khi đưa 1 lít xăng dầu từ kho của doanh nghiệp đầu mối về tới cửa hàng và khi bán đến tận tay người tiêu dùng để quy định cụ thể mức chiết khấu, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp.

KHẢI ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=342
Quay lên trên