Phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024: Siết chặt kỷ luật tài chính

Cập nhật: 10-11-2023 | 17:41:15

Các đại biểu tham gia biểu quyết.

Chiều 10/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024.

Theo kết quả biểu quyết điện tử, có 444/449 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 89,88%), 4 đại biểu không tán thành, 1 đại biểu không biểu quyết. Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024.

Phân bổ ngân sách công khai, minh bạch

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024.

Theo báo cáo, Chính phủ chưa có phương án phân bổ đối với khoản 2.850 tỷ đồng chi thường xuyên của Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các Chương trình Mục tiêu Quốc gia nhằm nâng cao đời sống người dân, nhất là những người yếu thế. Nếu không bố trí khoản chi trên, việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia có thể tiếp tục bị chậm trễ, dẫn đến ảnh hưởng đến người dân.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bố trí 2.850 tỷ đồng chi thường xuyên của Chương trình Mục tiêu Quốc gia và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để phân bổ chi tiết, bảo đảm đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch.

Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, năm 2024 là năm thứ hai trong thời kỳ ổn định ngân sách 2023-2025. Dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 được xác định trên cơ sở dự toán thu cân đối ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương (nếu có) và các chế độ chính sách theo quy định.

Tuy nhiên, với dự toán ngân sách Nhà nước thu năm 2024 Chính phủ trình Quốc hội, có tới 30/63 địa phương giảm thu cân đối ngân sách địa phương 19,2 nghìn tỷ đồng, trong khi khả năng phấn đấu tăng thu là rất khó khăn do đa số là tỉnh điều kiện phát triển kinh tế còn hạn hẹp.

“Chính phủ cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao,” ông Lê Quang Mạnh nêu rõ.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Ưu tiên cho giáo dục và y tế

Theo Nghị quyết, Chính phủ sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển; trong đó, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục-đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông), lĩnh vực y tế; phần còn lại ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Các địa phương căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối, thực hiện phân bổ khoản kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 đảm bảo không thấp hơn năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ chi cân đối ngân sách địa phương.

Đối với phần tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2024 so với dự toán năm 2024 (nếu có), sau khi dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, địa phương thực hiện phân bổ theo quy định tại khoản 2, Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Sử dụng phần kinh phí dành ra từ việc tiết kiệm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập của ngân sách địa phương, theo nguyên tắc: 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương theo quy định; 50% còn lại để ưu tiên chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng. Việc quyết định chi cho từng nội dung do địa phương quyết định theo thẩm quyền quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị, tổng số thu ngân sách Trung ương là 852.682 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 848.305 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.225.582 tỷ đồng, trong đó dự toán 426.266 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách (đã bao gồm khoản bổ sung cân đối tăng 2% so với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023), bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (đã bao gồm khoản bổ sung có mục tiêu cho một số địa phương để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023)./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1464
Quay lên trên