(BDO) Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những chương trình được tỉnh triển khai thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống người dân, nhất là người dân nông thôn.
Những kết quả bước đầu
OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó chủ thể thực hiện là hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh.
Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xem xét, đánh giá các sản phẩm tham gia
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, trong đó có 10 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao, cho 49 chủ thể, gồm: 15 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã, 6 trang trại, 1 tổ hợp tác, 16 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh. Có nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng và doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể.
Ông Nguyễn Phong Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ. Chương trình nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của người dân. Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, bước đầu hình thành các sản phẩm đặc trưng của Bình Dương, như: Dưa lưới U&I, dưa lưới Kim Long, bưởi da xanh Tân Mỹ, cam sành Thịnh Thương, cam sành Năm Hạng, tương ớt Vị Hảo, rượu đông trùng hạ thảo, tổ yến Hiếu Hằng…
Đáng chú ý, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan. Các sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao, 4 sao đã có bước cải tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì bảo đảm điều kiện quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thấy được lợi ích của chương trình nên tích cực hưởng ứng, thực hiện. Cùng với đó, hệ thống các đối tác của Chương trình OCOP, các chuyên gia, doanh nghiệp dần dần được kết nối, hình thành kênh hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, OCOP là chương trình mới, có liên quan đến nhiều sở, ngành, địa phương. Tuy vậy, khi mới triển khai chương trình vẫn còn một số ngành, đơn vị chưa quan tâm; việc phát triển các sản phẩm truyền thống, làng nghề như gốm sứ, sơn mài còn gặp không ít khó khăn. Các sản phẩm đánh giá phân hạng của tỉnh chủ yếu là sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng phát triển sản phẩm có tiềm năng theo hướng nâng cao chất lượng, sản phẩm chế biến. Trong khi đó, những mô hình hay, sáng tạo của người dân qua triển khai Chương trình OCOP chưa tạo được sự lan tỏa…
Phối hợp thực hiện hiệu quả các giải pháp
Qua 3 năm triển khai Chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh đã được công nhận đạt OCOP, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Các sản phẩm trưng bày được công nhận đạt OCOP từ 3 - 4 sao
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay dự báo tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới còn nhiều thách thức, như: Biến đổi khí hậu và các rủi ro về thiên tai, dịch hại ngày càng diễn biến phức tạp; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản có nhiều biến động… Tuy nhiên, Bình Dương cũng có những tiền đề tốt, yếu tố thuận lợi để tiếp tục phát huy tiềm năng về khoa học công nghệ, về thị trường, về vốn và nguồn lao động năng động, sáng tạo.
Ông Phạm Văn Bông cho biết thêm nắm bắt thời cơ từ cuộc cách mạng 4.0, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đề ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, đó là: Đa dạng các giải pháp tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn cho các chủ thể và các đối tác tham gia Chương trình OCOP; ưu tiên chuyển đổi số trong quản lý, triển khai chương trình. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm, trong đó trọng tâm là các giải pháp hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hình hình hệ thống các điểm bán hàng OCOP, kênh thương mại điện tử sản phẩm OCOP… Xây dựng chính sách hỗ trợ các chủ thể và các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, bảo đảm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Để nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP, xứng đáng với niềm tin của khách hàng và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, ông Phạm Văn Bông đề nghị Chi cục Phát triển nông thôn tham mưu các giải pháp triển khai chương trình; chú trọng củng cố bộ máy, công tác tuyên truyền, công tác kết nối các chuyên gia, công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, chủ thể trong quá trình triển khai chương trình. Các ngành, các hội, nhất là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các hiệp hội nghề nghiệp tăng cường phối hợp, tuyên truyền, kết nối hỗ trợ các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP tiềm năng.
Các huyện, thị, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và kiện toàn bộ máy triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn, trong đó tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương cơ sở.
Bình Dương đề ra mục tiêu đến năm 2025 100% số xã có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; ít nhất 150 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP; ít nhất 80 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia. |
THOẠI PHƯƠNG - HẢI DƯƠNG