Phát huy các nguồn lực để phát triển đô thị - Kỳ 1

Cập nhật: 26-08-2016 | 08:07:47

Kỳ 1: Tạo nền tảng đô thị loại I

 Trong những năm qua, Bình Dương đã tập trung huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cấp và chỉnh trang đô thị. Nhờ đó, đến nay các mục tiêu tổng quát trong chương trình phát triển đô thịcủa tỉnh giai đoạn 2011- 2015 đãcơ bản hoàn thành, góp phần tạo nền tảng cho đô thị Bình Dương đạt đô thị loại I, để đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

 Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển đô thị. Trong ảnh: Đô thị TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: P.LÊ

 Nhiều thành tựu

Tính đến năm 2015, tỉnh Bình Dương có 1 thành phố, 4 thị xã và 4 huyện với 91 xã, phường, thị trấn; trong đó khu vực phía nam có 1 đô thị loại II, 4 đô thị loại IV. Mật độ dân số của tỉnh trung bình 695 người/km2, với tình trạng dân số phân bố không đồng đều, đa số tập trung ở phía nam của tỉnh. Quy mô dân số toàn tỉnh là trên 1 triệu 976 ngàn người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 76,9%. Cơ cấu kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 60,3% - 37% - 2,7%.

Đối với công tác quy hoạch xây dựng, tỉnh đã thực hiện cơ bản hoàn thành; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 73,2%; các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng đều có quy hoạch chi tiết. Tỉnh đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị Bình Dương, các đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An; quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, hiện nay, TP.ThủDầu Một đã cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh; TX.Thuận An và TX.DĩAn cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III. Trong khi đó, Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị được quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối liên hoàn với khu vực và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Riêng việc chuyển Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương vào khu đô thị mới tại 2 phường Hòa Phú và Phú Tân của TP.Thủ Dầu Một đã từng bước khẳng định vai trò của đô thị trung tâm, cùng với các trung tâm hành chính cấp huyện góp phần hiện đại hóa nền hành chính tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND TX.Dĩ An cho biết, thực hiện công tác quy hoạch và phát triển đô thị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng đô thị đồng bộ, những năm qua thị xã đã tập trung đầu tư kết nối hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại của nhân dân, góp phần làm cho diện mạo đô thị Dĩ An ngày càng khang trang, hiện đại. Với những kết quả đã đạt được về hệ thống kết cấu hạ tầng, TX.Dĩ An đang thực hiện các trình tự, thủ tục đề nghị Bộ Xây dựng công nhận thị xã là đô thị loại III.

Bình Dương là tỉnh phát triển mạnh các khu công nghiệp, thu hút đông đảo lực lượng lao động từ các địa phương khác trong cả nước đến làm việc. Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh đã hết sức quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người lao động, người có thu nhập thấp. Đến nay, diện tích nhà ở bình quân của tỉnh đạt 23,5 m2/người. Đặc biệt, chương trình phát triển nhà ở xã hội luôn được tỉnh chú trọng. Chương trình này đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân nói chung và đối tượng có thu nhập thấp nói riêng.

Với việc xác định kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, Bình Dương đã chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương nói chung, phát triển đô thị nói riêng. Kết quả đáng chú ý là kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh được xây dựng theo hướng đồng bộ, kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, đồng thời bảo đảm sự kết nối với hệ thống giao thông liên vùng. Cụ thể như đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối với Quốc lộ 1A, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước; các tuyến đường tỉnh như ĐT744 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, ĐT741 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Bình Phước…

Về hệ thống cấp điện trong đô thị của tỉnh thời gian qua cũng được chỉnh trang, cải tạo bảo đảm nhu cầu sử dụng. Các lĩnh vực như hạ tầng cấp thoát nước đã được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của các khu đô thị và khu công nghiệp; hạ tầng viễn thông ngày càng được nâng cấp theo hướng hiện đại; cây xanh đô thị được nhân rộng và định hướng chủng loại cây đặc thù (cây sao, cây dầu...) tạo nét riêng cho đô thị Bình Dương. Về công tác xã hội hóa giáo dục cũng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo của tỉnh; công tác xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, thu hút được nhiều thành phần tham gia, từ đó góp phần đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân…

Giải quyết tốt những bất cập

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đô thị Bình Dương vẫn còn những bất cập. Trước hết, tình hình liên kết vùng phát triển của Bình Dương với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gần đây có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa tương xứng với mục tiêu, quy mô, vị trí và định hướng phát triển của vùng. Trong khi đó, đầu tư xây dựng khu đô thị mới gắn với nâng cấp, chỉnh trang đô thị chưa tương xứng với sự phát triển của tỉnh. Khó khăn nữa là, mặc dù hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản đề ra trong chương trình phát triển đô thịcủa tỉnh giai đoạn 2011- 2015 đều đạt, tuy nhiên với tốc độđô thịhóa quácao, việc mởrộng đô thịnhanh khiến cho một số chỉ tiêu khác của đô thị cóxu hướng bịkéo giảm so với tiêu chuẩn đô thịloại I. Điển hình như chỉ tiêu về tỷ lệ đường phố chính (nội thị) được chiếu sáng.

Ông Trần Sĩ Nam, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Thủ Dầu Một cho biết, đến nay, tiêu chí hệ thống chiếu sáng ngõ hẻm của thành phố chỉ đạt 47/60 theo tiêu chuẩn đưa ra. Trước đây (năm 2012 TX.Thủ Dầu Một trở thành thành phố), TP.Thủ Dầu Một có 3 xã là Chánh Mỹ, Tân An và Tương Bình Hiệp. Năm 2013, 3 xã này được lên phường. Tuy nhiên, do từ xã lên phường nên nhiều tiêu chí không thể đạt bằng các tiêu chí của các phường đã có trước đó.

Một trong những hạn chế dẫn đến việc nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh triển khai chậm tiến độ là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các dự án hạ tầng thương mại, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tuy đã phát triển nhưng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách ngày càng tăng cao tại tỉnh. Một khó khăn khác, hệ thống thoát nước mưa chưa bảo đảm, còn xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ trên các trục giao thông chính và trong đô thị. Trong khi đó, hạ tầng logistics chưa phát triển đúng như tiềm năng...

Để xây dựng Bình Dương thành đô thị văn minh, giàu đẹp, tỉnh nhà cần phát huy tốt hơn những thành quả đã đạt được, đồng thời nỗ lực nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

 Kỳ 2: Hướng tới thành phố thông minh

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=697
Quay lên trên