Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QÐ-TTG về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó nông nghiệp được xác định là một trong những ngành ưu tiên chuyển đổi số.
Trong kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc. Hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Bộ NN&PTNT cũng đặt ra mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng Big data có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Trong đó, ngành nông nghiệp sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số. 50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) để tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.
Dù là một xu hướng mới, nhưng nông nghiệp Bình Dương đã và đang tiếp cận, ứng dụng nhanh chuyển đổi số, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh. Tiềm năng, lợi thế của một ngành đứng chân trên địa bàn công nghiệp, dịch vụ trọng điểm như Bình Dương cần tập trung khai thác. Bên cạnh đó cần tận dụng triệt để các ưu đãi từ chính sách. Kỳ vọng nông nghiệp Bình Dương sẽ bước tiếp thành công, nâng cao giá trị, vị thế.
PHƯƠNG ANH