Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên những thành công của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thời gian qua chính là sự hình thành và hoạt động có hiệu quả của đội ngũ cộng tác viên dân số cơ sở (CTV DSCS).
Cô Võ Thị Thường (phải) tuyên truyền về KHHGĐ cho người dân
Mạng lưới CTV DSCS giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ ở cộng đồng. Đội ngũ CTV DSCS có mặt ở tất cả các khu phố, ấp đã giúp cho chính quyền các cấp có những số liệu tin cậy cập nhật về DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, đưa các thông tin tới người dân một cách thường xuyên, vận động họ có thái độ tích cực làm chuyển đổi nhận thức và hành vi về DS-KHHGĐ. Chương trình DS không thể đạt được những kết quả trong những năm qua nếu như không có hoạt động truyền thông trực tiếp tới từng gia đình của đội ngũ CTV DS.
Cô Võ Thị Thường, khu phố 5, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, từng 22 năm làm CTV DS cho biết: “Với phụ cấp hàng tháng không đáng là bao, một mình cô đảm nhận hơn 300 hộ gia đình trong khu phố, nhưng với lòng nhiệt tình và kỹ năng truyền thông mềm mỏng, kiên trì thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, cộng với việc tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ do cấp trên tổ chức, kỹ năng và kiến thức tuyên truyền của cô mỗi ngày một dày lên.
16 năm từng là CTV DS, chú Nguyễn Văn Thía, kiêm Bí thư Chi bộ khu phố 4, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ: “Tôi làm lâu rồi thành ra bây giờ đi đâu cũng thấy bạn, được giao lưu với các CTV khác trong những đợt tập huấn nên giờ là bạn bè với nhau cả, vui lắm”. Chú kể, có nhiều gia đình suy nghĩ còn lạc hậu, nhận thức về KHHGĐ hạn chế, thì việc tuyên truyền càng khó khăn hơn nhiều. Muốn làm tốt vai trò của CTV DS thì phải là người có khả năng tuyên truyền tốt. Quan trọng nhất là khi phân tích cái lợi của việc thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các đối tượng, người cán bộ hay CTV DS phải có cách nói gần gũi, dễ hiểu theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Đến nay, khu phố 4 không còn trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, đời sống nhân dân tương đối ổn định.
Trên thực tế, không phải CTV DS nào cũng làm tốt vai trò của mình. Cũng có CTV thiếu kiến thức hiểu biết về DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe, trình độ khác nhau, công tác báo cáo, cập nhật đôi khi chưa kịp thời… Để có một mạng lưới CTV DS cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 32/2014/QĐ-UBND và quyết định 21/2011/QĐ-UBND. Theo đó, CTV DS được hỗ trợ từ 0.25 - 0.3 lần mức lương cơ sở và được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho CTV DS-KHHGĐ giai đoạn 2011- 2015 trên địa bàn tỉnh.
Chính sách hỗ trợ của tỉnh là nguồn động viên lớn cho đội ngũ CTV DS, tuy nhiên trên thực tế có nhiều cộng tác viên phải đảm nhận số hộ gia đình vượt quá quy định. Do đó, cấp ủy Đảng, chính quyền cần tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng đội ngũ CTV DSCS có năng lực, lòng nhiệt tình trong công tác. Có chế độ bồi dưỡng cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn đường lối, chủ trương của Đảng về công tác DS. Hơn hết, mỗi CTV cần học hỏi, trau dồi kiến thức, thường xuyên xuống các hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách về DS; qua đó góp phần ổn định quy mô DS, nâng cao chất lượng DS.
HUỲNH THỦY