Công nhân ở trại cút nhà ông Phạm Quốc Thái đang cho chim mẹ ăn
Nhà nhà nuôi cút
Những năm gần đây, hàng chục hộ dân ở các xã Tân Vĩnh Hiệp, Khánh Bình (Tân Uyên) giúp đỡ nhau làm giàu bằng cách tạo dựng những trang trại nuôi chim cút đẻ trứng. Trong đó, những hộ ít vốn, ít đất nuôi quy mô nhỏ lẻ, chuồng trại thô sơ từ 3.000 đến 5.000 con chim mẹ; hộ nhiều vốn, con số này có thể lên tới hàng trăm ngàn chim mẹ. “Mô hình nuôi chim cút ở Bình Dương được nhân rộng và phát triển mạnh nhất ở Tân Uyên, hộ nào ít nhiều cũng có từ vài trăm đến vài ngàn chim cút đẻ trứng trong nhà” - bà Nguyễn Thị Dứt (ấp Khánh Tâm, xã Khánh Bình) cho biết khi phóng viên báo Bình Dương về thực tế tại địa phương.
Tại trại cút của gia đình vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Nguyễn Thị Dứt, chúng tôi nghe được nhiều câu chuyện kể về sự thăng trầm của nghề nuôi cút. Trong đó, điều đáng kể đến là tinh thần lá lành đùm lá rách của các hộ nuôi cút: “Anh chị em ở đây hễ có trục trặc gì về kỹ thuật chăn nuôi, chuồng trại, con giống và đầu ra sản phẩm (trứng) là mọi người xúm tay vào giúp liền” - bà Dứt vừa cho chim mẹ ăn, vừa nói. Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ trong hai xã Khánh Bình và Tân Vĩnh Hiệp đã có tới hàng trăm hộ nông dân chăn nuôi chim cút. Nếu người “nuôi lấy trứng ăn chơi” chỉ có từ 500 đến 1.000 chim mẹ, những hộ xác định làm giàu từ “loài chim siêu trứng” luôn sở hữu từ 5.000 đến 20.000, thậm chí là hàng trăm ngàn chim cút mẹ.
Thu nhập cao từ trại cút kiểu mới
Người dân Bình Dương không còn lạ lẫm gì với nghề nuôi chim cút lấy trứng, nhưng để kiếm thật nhiều tiền từ mô hình này quả thật không dễ dàng nếu không biết đầu tư hệ thống chuồng trại và nắm vững kỹ thuật chăn nuôi. Hiểu rõ điều này, nhiều hộ dân ở các xã Tân Vĩnh Hiệp, Khánh Bình… đến các trang trại nuôi cút lớn ở các tỉnh lân cận học hỏi mô hình mới.
Sau nhiều ngày nghiền ngẫm, ông Phạm Quốc Thái (ấp Vĩnh An, xã Tân Vĩnh Hiệp) quyết định “mở đường máu” cho nghề nuôi cút. Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, nhưng do “trăm hay không bằng tay quen”, nên bước đầu khởi nghiệp, ông Thái đã gặp phải không ít khó khăn. Thời gian đầu, ông Thái chủ quan không chăm lo chuồng trại nên hàng ngàn con chim mẹ bị bệnh và kéo nhau lăn ra chết. Sau thất bại đắng lòng nói trên, ông Thái rút ra kinh nghiệm và bỏ ra nhiều công sức tìm hiểu về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từ đó đưa ra những cách xử lý thích hợp cho trại chim cút mới “vỡ lòng”.
Trong một dịp được tiếp cận mô hình chăn nuôi chim cút theo hệ thống chuồng trại và dây chuyền tiên tiến, ông Thái học hỏi, ghi chép kỹ lưỡng để mang về áp dụng. Chỉ một năm sau, niềm vui ngoài mong đợi cũng đã đến với những con người “dám nghĩ dám làm”, ngoài việc thu lại toàn bộ số vốn thua lỗ từ vụ trước, mô hình trang trại kiểu mới này cũng mang lại một khoản lợi nhuận không nhỏ cho gia đình ông Thái.
Hiện nay, trại cút nhà ông Thái đang có 100.000 chim cút mẹ đẻ trứng liên tục. Với hiệu suất đẻ khoảng 80%, tính trung bình mỗi ngày ông Thái có 80.000 trứng cút. Theo mức giá nhập cho các đầu mối (400 đồng/ trứng), mỗi ngày ông Thái “ngồi mát” thu về khoảng 32 triệu đồng.
Ngoài việc chăm lo cho trại cút của gia đình, ông Thái còn kiêm nhận thu mua toàn bộ số trứng cút tận nơi của các hộ dân ở khu vực lân cận với mức giá tương đối sát (380 đồng/trứng). “Đây cũng là một trong những lý do khiến bà con nông dân Tân Uyên hứng khởi cùng nhau lập nghiệp bằng việc nuôi chim cút” - bà Nguyễn Thị Dứt nói về “con chim đầu đàn” làng nghề nuôi cút ở Tân Vĩnh Hiệp.
ĐÌNH THẮNG