Phát triển công nghiệp, đô thị: Điện, đường phải đi trước

Cập nhật: 05-06-2018 | 08:00:06

Ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh (nhiều người gọi ông bằng cái tên thân mật Út Phương) - một trong những người thuộc thế hệ lãnh đạo đầu tiên của tỉnh Bình Dương kể từ khi Bình Dương được tách ra từ tỉnh Sông Bé. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông Út Phương vẫn còn khỏe mạnh, giọng nói vẫn sang sảng. Được dịp gặp gỡ, trò chuyện với ông, chúng tôi bị cuốn hút bởi câu chuyện về những người tiên phong mở rộng lưới điện, làm đường… để mở toang cánh cửa giúp tỉnh nhà đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, đô thị hóa.

 Có điện giúp miền quê phát triển

Ngày 9-12-1996, Tỉnh ủy Sông Bé ra Quyết định số 52/ QĐ-TU về việc thành lập Ban chỉ đạo chia tách tỉnh Sông Bé gồm 13 thành viên, do ông Hồ Minh Phương, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Từ ngày 16-12-1996 đến 27-12- 1996, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé tiến hành cuộc họp thống nhất yêu cầu, nhiệm vụ, phương pháp phân chia tài sản, sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ ở hai tỉnh. Ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Dương chính thức được tái lập với 4 đơn vị hành chính, gồm: TX.Thủ Dầu Một, các huyện Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát; 4 xã Minh Hòa, Minh Thạnh, Minh Tân, Trừ Văn Thố thuộc huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước hiện nay) được chuyển cho huyện Bến Cát, 5 xã An Linh, Phước Sang, Tân Hiệp, An Bình, Vĩnh Hòa và thị trấn Phước Vĩnh của huyện Đồng Phú (Bình Phước) được chuyển giao cho huyện Tân Uyên.

Quốc lộ 13 được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đóng góp quan trọng để kinh tế tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ như hiện nay (ảnh chụp đoạn đi qua địa bàn TX.Thuận An). Ảnh: XUÂN THI

Năm 1992, ngoài các nông trường cao su, các công ty Nhà nước, “vốn lận lưng” của Bình Dương (tính trên địa bàn tỉnh được chia tách như hiện nay) có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký với số vốn 29 triệu USD; năm 1996 mới có thêm 52 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 497,7 triệu USD. Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đường giao thông chưa nhiều; một số khu vực còn chưa có điện.

Năm 1997, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh tuy công nghiệp chiếm 50,45% nhưng giá trị sản xuất công nghiệp chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 3.042 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu là 363 triệu USD, gói gọn trong các ngành hàng công nghiệp nhẹ và thủ công mỹ nghệ; thu ngân sách là 817 tỷ đồng; thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn khiêm tốn; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 24%… Theo ông Út Phương, khi lãnh đạo tỉnh có chủ trương Bình Dương phải đi lên bằng công nghiệp, đòi hỏi tỉnh phải thu hút được mọi nguồn lực trong và ngoài nước. Nhưng thời điểm đó, Bình Dương chưa thể làm tốt công tác thu hút đầu tư vì “điện chưa thông, đường chưa thoáng”.

Dự đoán được công nghiệp sẽ phát triển lan tỏa đến các địa phương khác trong tỉnh từ nền tảng các khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh có mặt tại huyện Thuận An, ông Út Phương cùng ban lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ đã chú trọng phát triển vùng Tân Uyên để đón bắt thời cơ. Trong ký ức của ông Út Phương, Tân Uyên cách đây 20 năm vẫn còn thưa thớt dân cư, nông nghiệp chiếm tới 80 - 90% trong cơ cấu kinh tế, toàn khu vực điện thắp sáng chỉ đạt tỷ lệ 30 - 40%. Để thay đổi vùng quê nghèo này, ông cùng các vị lãnh đạo tỉnh xác định phải có điện để thắp sáng, phải thắp sáng để tìm ra lối đi thoát nghèo bền vững. Với nguồn ngân sách eo hẹp, ông cùng các cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện xuống từng xóm, ấp vận động người dân cùng hiến đất để làm đường dây diện. Thấy được lợi ích của việc đưa điện về nông thôn, bà con nhân dân không những tình nguyện hiến đất mà còn góp sức lao động, tiền của cùng Nhà nước thực hiện công trình kéo điện về Tân Uyên. Nhờ sự quyết liệt, táo bạo của lãnh đạo tỉnh thời kỳ này, chỉ trong thời gian ngắn điện đã cơ bản phủ sóng toàn huyện Tân Uyên, tạo tiền đề cho các nhà đầu tư sau này về đây làm ăn, thúc đẩy công nghiệp tại địa phương phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Đến nay, trên địa bàn TX.Tân Uyên có 2 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp. Các dự án đầu tư và các khu, cụm công nghiệp này hoạt động hiệu quả. Thị xã đang thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ. Thị xã đang hướng tới mục tiêu xây dựng Tân Uyên trở thành thị xã văn minh, hiện đại, là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Dương vào năm 2020.

Quyết liệt làm đường giao thông

Ông Út Phương tâm tình, thời điểm năm 1992-1996, quốc lộ 13 là tuyến đường huyết mạch của tỉnh Sông Bé. Quốc lộ 13 lúc bấy giờ chỉ có 2 làn xe, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, cản trở tốc độ phát triển công nghiệp trên địa bàn. Mấu chốt quan trọng ở giai đoạn này là ý tưởng đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 theo hình thức B.O.T (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) đã được thực hiện, mở ra được tuyến giao thông đặc biệt quan trọng đối với tỉnh, tạo cơ sở đón nhận sự lan tỏa phát triển đô thị, công nghiệp từ TP.Hồ Chí Minh, thu hút nguồn lực ngoài xã hội tham gia đầu tư sản xuất nói riêng và góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp cho tỉnh nói chung.

Theo ông Út Phương, việc mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương mang nhiều ý nghĩa quan trọng, là bước ngoặt lớn để đưa Bình Dương tăng tốc phát triển công nghiệp, đô thị. Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh đường dài 62 km, quy mô đường cấp I, II với 6 làn xe, tạo tiền đề để các nhà đầu tư mạnh dạn về Bình Dương đầu tư, phát triển công nghiệp về khu vực phía bắc của tỉnh. Ông nhớ lại, khi dự án nâng cấp quốc lộ 13 được lên ý tưởng, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, nhiều doanh nghiệp e dè, không mấy tin tưởng. Trước thực tế này, cả bộ máy chính quyền tỉnh cùng vào cuộc, vận động người dân, kêu gọi đầu tư… quyết tâm phải mở rộng tuyến quốc lộ 13 huyết mạch để từng bước đưa công nghiệp phát triển về Bến Cát. Rồi dự án nâng cấp, mở rộng toàn tuyến ĐT741 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 49km, quy mô đường cấp I, 6 làn xe sau đó cũng được triển khai thực hiện. Đây là hai trục “xương sống” theo hướng bắc - nam của tỉnh, kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía nam của tỉnh với các khu công nghiệp, đô thị và vùng nguyên liệu, nông thôn phía bắc tỉnh, kết nối với TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên và tuyến biên giới Campuchia. Hai tuyến đường này có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, đô thị hóa… trên địa bàn.

Sự táo bạo, quyết liệt của các cấp lãnh đạo trong tỉnh thời điểm đó đã đem lại những lợi ích kinh tế - xã hội vô cùng to lớn. Nổi bật là công nghiệp đã thay thế vai trò của nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế khu vực phía bắc của tỉnh. Sau đó, tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trọng yếu như ĐT743, ĐT744, ĐT746, ĐT747… với quy mô đường cấp I, II, 4 đến 6 làn xe, kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía nam, các khu công nghiệp, đô thị và vùng nguyên liệu phía bắc của tỉnh với các tỉnh, thành lân cận và các đầu mối giao thông của khu vực Đông Nam bộ.

 Ông Út Phương cho biết, trước đây so với TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai, Bình Dương kém hẳn về hạ tầng: không có sân bay, không có cảng sông, công nghiệp đi sau... Giai đoạn 1997-2004, có thể nói Bình Dương rất quyết tâm trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là ưu tiên phát triển đường giao thông, nối liền các địa phương trong tỉnh và nối Bình Dương với các tỉnh, thành phía Nam. Hạ tầng giao thông luôn đi trước công nghiệp một bước, điều này làm hài lòng các nhà đầu tư, để đưa Bình Dương trở thành một điểm sáng về phát triển công nghiệp của cả nước.

 

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=313
Quay lên trên