Phát triển công nghiệp hỗ trợ địa phương: Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Cập nhật: 23-06-2018 | 09:00:39

Để ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đáp ứng được nhu cầu sản xuất của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ ngành CNHT và đẩy mạnh phát triển công nghiệp một cách toàn diện, bền vững.

Chưa đáp ứng được nhu cầu về nguyên phụ liệu cho sản xuất

Nhận thức được tầm quan trọng của CNHT, những năm gần đây Chính phủ đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển CNHT. Mục tiêu của chương trình phát triển CNHT trong giai đoạn 2016-2025 nêu rõ đến 2020 sản phẩm CNHT phải đáp ứng khoảng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp; đến 2030 đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa...

Sản xuất tại Công ty Cổ phần gỗ Thuận An

Tuy nhiên, thực tế do còn hạn chế về nguồn lực, cho đến nay CNHT trong nước mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai, manh mún, các doanh nghiệp (DN) sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ở nước ta còn rất ít, khả năng cạnh tranh kém. Các sản phẩm hỗ trợ của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, giá lại cao hơn so với nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu… Do vậy, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành sản xuất. Việt Nam chỉ có khoảng 0,3% trong tổng số gần 500 nghìn DN Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo cho ngành CNHT.

Tại Bình Dương, thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, năm 2017, toàn tỉnh có 374 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, trong đó có 57 DN có vốn đầu tư trong nước. CNHT trên địa bàn tỉnh tuy có phát triển hơn so với một số địa phương song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước cả về số lượng và chất lượng.

Theo Ông Lương Ngọc Kim, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương thì với vị thế là ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh, hàng năm các DN tiêu tốn hàng trăm triệu USD để mua nguyên phụ liệu phục vụ ngành gỗ. Đa phần các nguồn phụ liệu như đinh vít, sơn, véc-ni, giấy chà nhám… đều được cung cấp bởi các DN nhập khẩu về phân phối lại tại thị trường Bình Dương. Nguyên phụ liệu ngành gỗ chiếm tỷ trọng khá cao trong giá thành sản xuất ra sản phẩm gỗ (bình quân từ 20-30%). Qua đó cũng cho thấy, nếu CNHT phát triển mạnh Bình Dương sẽ có thêm nguồn thu ngân sách và các DN có đủ nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất ngay tại chỗ, tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Còn theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Bình Dương. Thực tế hiện nay ngành nguyên phụ liệu da giày tỷ lệ cung ứng chỉ khoảng 20-25%, còn lại phải nhập khẩu, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu... Chưa kể những hợp đồng lớn thì các đối tác nước ngoài thường chỉ định nhà thầu phụ từ “chính quốc” đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng mà họ yêu cầu. Với đặc thù của ngành da giày là nguồn nguyên phụ liệu chiếm tới 60-70% giá thành sản phẩm, nếu có được nguồn phụ liệu tại chỗ hoặc trong nước ngành này sẽ tăng thêm sức cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, khi nước ta đang đánh mất dần lợi thế nguồn nhân công giá rẻ.

Với ngành dệt may thì hiện nay ngành CNHT trong nước cũng đã bắt đầu đáp ứng được một phần nhu cầu của DN, nhất là DN sản xuất hàng thành phẩm (FOB). Tuy nhiên vấn đề là nếu đáp ứng được nhu cầu về chất lượng thì giá cả nguyên phụ liệu trong nước hiện nay cao hơn so với nguyên phụ liệu nhập khẩu nên cũng gây nhiều khó khăn cho DN sản xuất sử dụng nguồn nguyên phụ liệu nội địa. Theo bà Phan Lê Diễm Trang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương thì hiện nay các đối tác nước ngoài khi làm việc với DN đặt ra tiêu chuẩn về chất lượng rất khắc khe. Trong khi đó, khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng giữa các nhà DN trong và ngoài nước khá lớn. Vì vậy, nhiều công ty không tìm kiếm được thông tin về khả năng giao thầu của DN lớn, nhất là DN nước ngoài. Ngược lại, các DN nước ngoài cũng ít thông tin về DN Việt Nam. Thêm nữa, các DN trong ngành dệt may ngần ngại khi phải ký kết hợp đồng thương mại với các nhà thầu phụ Việt Nam do chất lượng hàng hóa thiếu tính ổn định, họ luôn canh cánh nỗi lo sợ khi bị phá vỡ hợp đồng…

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Nhận thấy tầm quan trọng của ngành CNHT, từ năm 2011, Bình Dương đã nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho CNHT, tạo đà cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Thực hiện Quyết định số 2751/ QĐ-UBND ngày 26-11-2011 của UBND tỉnh về việc “Phê duyệt Đề án định hướng phát triển các ngành CNHT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020”, đến nay đã có nhiều dự án về CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại một số khu công nghiệp ở TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng… tập trung cung ứng sản phẩm, phụ kiện phục vụ cho ngành may mặc, điện tử, linh kiện, ô tô… Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững căn cứ mục tiêu của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần X và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh giai đoạn 2016-2010, nêu rõ: Tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút, phát triển các ngành CNHT, công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, tinh chế, cung cấp nguyên phụ liệu, góp phần nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Trong suốt những năm gần đây, tỉnh Bình Dương đã có nhiều nỗ lực thu hút các DN nước ngoài tham gia phát triển CNHT và đã đạt một số kết quả đáng khích lệ. Thực hiện Quyết định số 2751/ QĐ-UBND ngày 26-11-2011 của UBND tỉnh về việc “Phê duyệt Đề án định hướng phát triển các ngành CNHT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020”, đến nay đã có nhiều dự án về CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại một số khu công nghiệp ở TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng… tập trung cung ứng sản phẩm, phụ kiện phục vụ cho ngành may mặc, điện tử, linh kiện, ô tô… Điển hình, cuối năm 2016, Tập đoàn KOLON đã ký bản ghi nhớ với tỉnh về việc triển khai dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, trên diện tích 42 ha tại KCN Bàu Bàng. Theo kế hoạch mà nhà đầu tư này cam kết, trong giai đoạn I (2017-2018) sẽ đầu tư 220 triệu USD, giai đoạn II (2018-2026) là 600 triệu USD, sau đó là giai đoạn III. Dự án của Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore) có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD tại KCN Việt Nam - Singapore II-A, chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm…

Hiện nay, Bình Dương hiện đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho CNHT, tạo đà cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Theo thông tin từ Sở Công thương, sở đang triển khai đề án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tham mưu cho UBND tỉnh hoàn chỉnh, bổ sung cơ sở pháp lý, chương trình kích cầu đầu tư lĩnh vực CNHT tại địa phương. Trong đó, trọng tâm xây dựng chương trình phát triển CNHT trên địa bàn Bình Dương đến năm 2025; xây dựng quy chế quản lý thực hiện chương trình phát triển CNHT; xây dựng phân khu và cơ sở dữ liệu CNHT; thực hiện các chương trình đào tạo, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý cho DN CNHT và đánh giá tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu.. Qua đó, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, để DN đầu tư đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ… đẩy mạnh nội địa hóa sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết, để đáp ứng nhu cầu của DN công nghiệp hỗ trợ cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN về mặt bằng mở rộng sản xuất, sở đang nghiên cứu đềxuất với UBND tỉnh giải pháp hỗtrợtạo mặt bằng sản xuất với quy mô diện tích vàgiáthuê phùhợp cho doanh nghiệp CNHT bên trong các khu công nghiệp. Khi phân khu này hình thành sẽ tạo điều kiện cho các DN CNHT tiếp cận mặt bằng sản xuất với quy mô diện tích vàchi phí phù hợp, gắn kết với nhau và đặc biệt là liên kết với các DN sản xuất FDI và các DN sản xuất công nghiệp đầu cuối, từng bước hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp hỗ trợ của thành phố theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN công nghiệp, CNHT, trong năm 2018, Sở Công thương sẽ tăng cường kết nối chặt chẽ với các hiệp hội DN khảo sát để nắm bắt nhu cầu của DN, xây dựng cơ sở dữ liệu các DN tỉnh Bình Dương. Sở sẽ chủ trì phối hợp cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp tổ chức các chương trình kết nối cung cầu nhằm tạo điều kiện các DN sản xuất công nghiệp - CNHT tăng cơ hội tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cung ứng, mở rộng sản xuất, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=403
Quay lên trên