Phát triển công nghiệp hỗ trợ, đón đầu cơ hội

Cập nhật: 22-05-2021 | 10:25:34

Thời gian qua, Bình Dương triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) CNHT Việt Nam.


Sản xuất tại Công ty Cổ phần nhựa Tiền Phong (KCN Đồng An 2, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một)

Ngành trọng yếu

Trong giai đoạn phát triển mới, xác định phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng để Bình Dương phát triển kinh tế bền vững, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các DN nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp các DN trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Hiện nay, Bình Dương nằm trong top 5 địa phương có ngành CNHT phát triển mạnh của cả nước, bước đầu hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước vàcác DN FDI, từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp. Theo khảo sát của Sở Công thương mới đây, trên địa bàn tỉnh có gần 2.300 DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành CNHT, nếu tận dụng tốt cơ hội, thị trường rất phong phú. Chia sẻ về tiềm năng lớn của CNHT, các DN ngành gỗ, điện tử, da và vải đều cho rằng nếu đẩy mạnh phát triển CNHT, DN đầu cuối sẽ có nhiều cơ hội và đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

Có thể nói, cơ hội phát triển CNHT thời gian gần đây rất rộng mở cho nhiều DN trong nước khi ngày càng có nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam. Gần đây, Tập đoàn TTI đã triển khai các thủ tục xây dựng nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh (SHTP) với tổng vốn đầu tư 650 triệu USD, trong đó, thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) lĩnh vực điện tử. Hiện TTI có nhà máy sản xuất tại KCN VSIP IIA, để phát triển sản xuất lâu dài tại Việt Nam và tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu, TTI rất muốn tìm kiếm nhà cung cấp các sản phẩm CNHT trong nước, hướng đến mục tiêu chiếm khoảng 80% trong chuỗi cung ứng cho TTI trong vài năm tới.

Ông Lim Chiew Seng, đại diện Công ty TNHH White Feathers International cho biết rất muốn tìm kiếm các đối tác cung cấp các nguyên liệu phụ trợ tại Việt Nam để bảo đảm nguồn cung và hạ giá thành sản phẩm. Ông Li Li, Giám đốc Công ty Gre Apha Electronic (KCN VSIP 2A) cho biết trong năm 2021, công ty mẹ đã quyết định chuyển khoảng 20% đơn hàng từ các nước sang nhà máy tại Bình Dương. Công ty mong muốn tìm kiếm các khách hàng cung cấp nguồn linh kiện.

Thúc đẩy phát triển

Hiện giá trị gia tăng trong các sản phẩm công nghiệp của tỉnh còn thấp, hiệu quả chưa tương xứng với quy mô và tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu các DN FDI chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn nhưng liên kết với các DN trong nước còn yếu, chi phí cao về logistics chưa cải thiện… Nguồn cung từ các DN trong nước chỉ đáp ứng được từ 40 - 45% cho ngành dệt may, da giày, 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% cho điện tử, tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao...

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm và xem việc đẩy mạnh phát triển CNHT là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu. Giai đoạn 2021-2025, Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, kết nối, hỗ trợ DN CNHT trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước. Xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào CNHT, hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất. Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT …

Tại các KCN, ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết Bình Dương sẽ hạn chế và không cấp phép các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, không gắn với chế biến sâu, sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường... Bình Dương sẽ tạo điều kiện và tăng cường liên kết giữa các DN trong các lĩnh vực CNHT, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Để có hướng phát triển căn cơ, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT như ngành dệt may, sợi, da giày, các ngành nghề có giá trị, hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động. Ngoài ra, một số ngành nghề khác như chế biến gỗ, y tế, dược, ngành dịch vụ chất lượng cao... cũng được quan tâm thu hút đầu tư.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên