Phát triển hệ thống xe buýt hiện đại, văn minh - Kỳ cuối

Cập nhật: 11-04-2018 | 08:21:18

Kỳ cuối: Hướng đến xe buýt “xanh”

 

 Việc xây dựng đô thị Bình Dương văn minh, hiện đại đòi hỏi hệ thống vận tải hành khách công cộng cũng hiện đại tương ứng. Theo Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020” của tỉnh, tới đây sẽ nâng cấp hoạt động xe buýt trong tỉnh theo hướng ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào trong quản lý, vận hành, hướng đến mục tiêu “Xe buýt xanh, bù giá sạch”.

 Xe buýt “xanh” phải dễ tiếp cận

Ông Vũ Quang Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Phương Trinh chia sẻ, cũng như các loại hàng hóa vật chất khác trên thị trường, muốn có đông khách mua hàng thì hàng hóa đó trước tiên phải tươi ngon, bắt mắt; kế đến là chất lượng và hiệu quả sử dụng. Xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng nên yêu cầu trước tiên là phương tiện phải đến gần hơn nữa với cộng đồng và cộng đồng dễ dàng tiếp cận với phương tiện.

 

Phương tiện vận tải hành khách công cộng hiện đại được các doanh nghiệp trong nước giới thiệu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương vừa qua. Ảnh: DUY CHÍ

 

Phương tiện đến gần với cộng đồng là trong đô thị phải có nhiều tuyến liên tiếp nhau cùng hoạt động trong một hệ thống tuần hoàn. Để hành khách không phải bị “cắt đứt” hành trình, đường đi bằng việc chuyển sang sử dụng phương tiện khác, trong đó có phương tiện cá nhân. Còn hướng cộng đồng tiếp cận xe buýt phải kể đến tính an toàn, tiện lợi của phương tiện; cung cách, thái độ phục vụ; giá cả... Bởi vì hiện nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều phương tiện cá nhân thì giá mỗi chặng của xe buýt phải hấp dẫn, chỉ bằng hoặc tương đương với giá gửi xe thì mới thu hút được đông đảo hành khách.

Có thể nói, việc Nhà nước dùng tiền ngân sách bù giá cho xe buýt hoàn toàn có ý nghĩa kinh tế - xã hội vì góp phần tích cực trong việc giảm áp lực của phương tiện cá nhân lên hệ thống giao thông đường bộ đang quá tải; khi giao thông thông suốt sẽ tác động tích cực đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế; trong khi đó giảm phương tiện cá nhân sẽ góp phần tích cực trong việc kéo giảm tải tai nạn giao thông... Như vậy, đồng tiền trợ giá của Nhà nước trả cho hoạt động xe buýt hoàn toàn có ý nghĩa và mang lại lợi ích nhiều hơn. Có những lợi ích không thể so sánh, tính toán được, đó là sinh mạng con người và tính an toàn để phát triển.

Theo nhiều nhà chuyên môn, xe buýt hay vận tải hành khách công cộng là phương tiện không thể thiếu trong các đô thị lớn. Đô thị càng văn minh, hiện đại thì phương tiện giao thông công cộng càng phát huy hiệu quả. Tại các đô thị lớn ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore..., họ không cấm phương tiện cá nhân, nhưng ở đó rất ít phương tiện này lưu thông vì quá bất tiện. Ngược lại, phương tiện công cộng vừa sang, đẹp, thoải mái vừa tiện lợi; hành khách mua vé lẻ thì giá đắt, mua vé tháng thì rất tiện lợi, tuyến này nối tiếp tuyến kia; hết giờ xe buýt hoạt động thì hành khách sử dụng taxi...

Bảo đảm đúng quy định

Ông Trương Văn Phương, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, đại biểu HĐND tỉnh cho biết, hiện nay luật quy định rất chặt chẽ trong việc sử dụng tiền ngân sách, chứ không phải cấm sử dụng ngân sách để đầu tư cho những vấn đề an sinh xã hội. Vì vậy, yêu cầu quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm tính hiệu quả là cơ sở để chứng minh và thuyết phục sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ cao vào trong quản lý vận hành vừa tiết kiệm nguồn nhân lực, chi phí, thời gian vừa bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật. Ví dụ, xe buýt Becamex Tokyu vận hành chỉ có 1 người là tài xế kiêm phụ xe và bán vé nhưng tài xế vẫn không được chạm vào tiền bán vé vì đã có máy bán vé; mỗi xe bán bao nhiêu vé/ chuyến/ngày đều được báo về trung tâm quản lý. Dữ liệu này sẽ giúp bộ phận giám sát quản lý tổng hợp trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh trợ giá hợp lý nhằm bảo đảm tính hiệu quả và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, phòng tránh tốt các hiện tượng thu nhiều báo cáo ít, lợi ích nhóm hoặc tiêu cực.

Theo ông Phan Triệu Thành, Phó trưởng phòng Kế hoạch điều hành quản lý cơ sở hạ tầng, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở Giao thông - Vận tải, việc nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng phải được đồng bộ hóa theo một tiêu chí, tiêu chuẩn chung nhằm loại bỏ hoàn toàn hiện tượng mạnh ai nấy làm theo điều kiện, sở thích của mình như hiện nay.

Với hệ thống nhà chờ, nhiều ý kiến cho rằng Bình Dương cũng cần rút kinh nghiệm từ các nơi. Cụ thể như TP.Hồ Chí Minh, họ đầu tư hệ thống bảng điện ngay tại nhà chờ cho hành khách truy cập, tìm kiếm phương tiện là vừa lãng phí vừa không phát huy hiệu quả sử dụng. Thay vào đó, nên là phần mềm chung sử dụng cho các loại phương tiện giao thông công cộng, thông qua phương tiện hỗ trợ là điện thoại thông minh và đường truyền internet. Với phần mềm này, hành khách đứng tại điểm A trên một tuyến đường trong thành phố cần di chuyển đến điểm B, khi truy cập vào phần mềm chung sẽ biết được tại vị trí hành khách đang đứng sẽ có tuyến xe buýt gì, bao lâu nữa xe đến đón, tại nhà chờ nào, cách vị trí đứng bao xa. Nếu tuyến đường hành khách đứng đón xe mà không có tuyến xe buýt đi qua thì hành khách có thể tìm thêm trên bản đồ để đến đoạn đường gần nhất có phương tiện xe buýt đi qua.

Hứa hẹn sớm có xe buýt văn minh

Để bảo đảm phát huy sức mạnh tập thể, UBND tỉnh giao nhiều ngành cùng tham gia đóng góp và phát triển Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng đến năm 2020”. Chẳng hạn, để giúp xã viên hợp tác xã có điều kiện vay vốn đổi mới phương tiện, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ hướng dẫn xã viên lập đề án, phương án kinh doanh và lộ trình trả lãi hoàn vốn với lãi suất ưu đãi...

Ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, sở được UBND tỉnh giao quản lý khoa học, thẩm định đề án, phương tiện theo thẩm quyền. Trường hợp doanh nghiệp, xã viên, hợp tác xã có điều kiện kinh doanh, có tay nghề và có yêu cầu vay vốn để mua sắm, đổi mới phương tiện để kinh doanh vận tải hành khách công cộng thì lập đề án, sở sẽ xem xét, hướng dẫn, hỗ trợ theo thẩm quyền. Khi đề án được thông qua, sở sẽ tiếp tục giới thiệu phương án hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi (4%/năm) cho doanh nghiệp, xã viên, hợp tác xã thực hiện các bước tiếp theo.

Nhằm khuyến khích các nhà doanh nghiệp, xã viên, hợp tác xã, đặc biệt là với thanh niên có hoài bão khởi nghiệp, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, người dân có tay nghề, có hoài bão lập nghiệp, khởi nghiệp không phải lo thiếu vốn. Nếu đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có đề án, phương án khả thi sẽ có nhiều nguồn quỹ để hỗ trợ. Bằng giải pháp hỗ trợ toàn diện, chuyên sâu, có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp, đề án “Xe buýt xanh - Bù giá sạch” hứa hẹn sẽ có sự thay đổi quan trọng trong hoạt động vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, hướng đến đô thị Bình Dương thông minh, thân thiện với mọi người.

 

Ông Trần Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND tỉnh: Không có phương tiện công cộng, không thể có thành phố thông minh

Hầu hết các đô thị hiện đại, thông minh trên thế giới đều có vai trò rất lớn của phương tiện giao thông công cộng. Phương tiện này được Nhà nước trợ giá nhằm bảo đảm các hoạt động, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, hình thành trật tự đô thị. Anh, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Singapore là những nước dẫn đầu về trợ giá (đặt hàng) phương tiện giao thông công cộng trong đô thị...

 

 

DUY CHÍ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=441
Quay lên trên