Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, những năm qua tỉnh Bình Dương rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Đã có nhiều đề án, kế hoạch về BVMT được tỉnh triển khai, trong bối cảnh tỉnh nhà phát triển nhanh về công nghiệp và đô thị.
Bình Dương đang xây dựng thành phố thông minh với sự đóng góp tích cực của ngành môi trường. Trong ảnh: Một góc thành phố mới Bình Dương Ảnh: XUÂN THI
Bảo vệ nguồn nước
Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nghiệm thu kết quả đề án “Lập danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Trong quá trình thực hiện đề án này, Trung tâm Quan trắc tỉnh đã thực hiện nhiều hạng mục công việc như tổng hợp số liệu, công tác nội nghiệp và ngoại nghiệp… nhằm đạt yêu cầu và mục tiêu đã đề ra. Trung tâm đã tiến hành tổng hợp, xử lý, phân tích, đánh giá xác định các vấn đề nổi cộm về hiện trạng nguồn nước, hiện trạng các giá trị tài nguyên gắn liền, hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội ven nguồn nước theo từng loại đối tượng: sông, suối, kênh, rạch (theo từng hệ thống sông).
Theo ông Ngô Quang Sự, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đề án đã xác định giá trị, tầm quan trọng, định hướng phát triển của các nguồn nước đối với phát triển kinh tế, ổn định văn hóa - xã hội, sinh thái cảnh quan… Từ đó đã xác định được chức năng nguồn nước đối với từng đoạn sông, tuyến sông trên địa bàn tỉnh. Đề án cũng đã lựa chọn được nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ bao gồm 98 sông, suối, kênh, rạch chính và 8 hồ.
Từ kết quả đạt được, Trung tâm Quan trắc tỉnh đã có đề xuất phương án cụ thể để thực hiện cắm mốc cho từng giai đoạn trên địa bàn tỉnh sau khi được UBND tỉnh phê duyệt phương án cụ thể. Có thể nói, đề án này thể hiện rõ quyết tâm của ngành môi trường trong việc tăng cường bảo vệ nguồn nước, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, đúng với chủ trương của tỉnh là phát triển đi đôi với BVMT.
Đề án “Lập danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương” cũng được cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đánh giá cao. Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long chia sẻ, nước là nguồn tài nguyên không phải vô tận, khai thác không kiểm soát sẽ dẫn đến tình trạng suy kiệt. Bảo vệ nguồn tài nguyên nước rất quan trọng, vừa bảo đảm cho sự phát triển công nghiệp vừa giúp đất nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng chủ động nguồn nước chất lượng cho thế hệ mai sau.
Còn theo ông Lưu Ngọc Kim, Giám đốc Công ty Gỗ Kim Thành A, bảo vệ nguồn nước tại hệ thống sông ngòi, kênh rạch là việc làm rất cần thiết; nó vừa bảo vệ cảnh quan vừa xây dựng môi trường sống lành mạnh cho các khu dân cư ven kênh rạch. Đề án nói trên sẽ giúp Bình Dương kiểm soát môi trường tốt hơn. Quan trọng nữa là, đề án còn giúp các doanh nghiệp ý thức hơn về trách nhiệm đối với cộng đồng.
Góp sức cho thành phố thông minh
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, hướng tới xây dựng Bình Dương là thành phố thông minh, tỉnh nhà đã xây dựng Đề án thành phố thông minh Bình Dương và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3206/QĐ- UBND ngày 21-11-2016. Theo đề án này, 8 điểm chính yếu quyết định đến sự thông minh của một thành phố gồm: chính quyền, quy hoạch đô thị, an toàn công cộng, sức khỏe cộng đồng, giáo dục, giao thông - vận tải, năng lượng, nước và môi trường. Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Chương trình thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực môi trường. Chương trình hướng mục tiêu sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông và các phương tiện khác để kết nối công dân, doanh nghiệp với chính quyền để xây dựng và xử lý dữ liệu, tạo ra thông tin và kiến thức nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định của lãnh đạo trong lĩnh vực môi trường. Bên cạnh đó, nâng cao công tác phòng ngừa và kiểm soát chặt chẽ các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm; cùng với đó kịp thời phát hiện và khắc phục các sự cố ô nhiễm môi trường nếu có xảy ra; cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao điều kiện sống của người dân; đồng thời xây dựng Bình Dương thành thành phố có môi trường sống thân thiện.
Theo ông Nguyên, “thành phố thông minh” có khái niệm rất rộng, có thể được hiểu là nơi có công nghệ sáng tạo và được ứng dụng để mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội và là nơi có điều kiện đáng sống, đáng làm việc. Trong đó không thể không tính đến yếu tố môi trường
Chương trình do Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng nói trên được thực hiện tập trung vào 8 nội dung như: Đầu tư xây dựng trung tâm điều hành chung, trên cơ sở nâng cấp trạm điều hành trung tâm đang vận hành tại Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật tài nguyên và môi trường; lắp đặt bảng hiển thị thông tin để hiển thị các kết quả quan trắc môi trường và cảnh báo; lắp đặt trạm quan trắc tự động không khí và đầu tư mua sắm xe quan trắc không khí di động; mở rộng mạng lưới quan trắc nước mặt, nước ngầm…
“Còn rất nhiều việc phải làm của ngành môi trường đối với nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh mà Bình Dương đang tiến hành. Và ngành môi trường cần phải đóng góp tích cực vào mục tiêu chung này”, ông Nguyên khẳng định.
XUÂN VĨ