Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) thực hiện tại huyện Phú Giáo đã tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà. Qua chương trình, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Những năm qua, chương trình xây dựng NTM đã đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phú Giáo. Trong ảnh: Thu hoạch dưa lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo). Ảnh: TIỂU MY
Kinh tế chuyển dịch đúng hướng
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện, sau khi tái lập (năm 1999) Phú Giáo là một trong những huyện khó khăn của tỉnh. Thời điểm đó, kết cấu hạ tầng của huyện còn thấp kém, nguồn lực đầu tư còn rất hạn chế, sự đóng góp của người dân có hạn. Bên cạnh đó, tuy lực lượng lao động trên địa bàn dồi dào nhưng phần lớn chưa qua đào tạo nghề nên chất lượng lao động còn hạn chế, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn.
Trước khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, ngành nông nghiệp của địa phương sản xuất không bền vững, tốc độ tăng trưởng và sức cạnh tranh thấp, nguồn lực cho sản xuất chưa được đầu tư. Trong khi đó, công tác chuyển giao khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn còn hạn chế; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp.
Đối với công nghiệp - dịch vụ phát triển chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn; các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn của địa phương chưa được quy hoạch. Về đời sống của người dân, năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh trong toàn huyện còn 7,38%.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện mới và thực tiễn tại địa phương. Nhờ đó, đến nay huyện đã xây dựng được vùng sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với nhiều mô hình nông nghiệp sản xuất công nghệ cao mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện đề án này nhằm tăng năng suất và giá trị để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp huyện nhà trên thị trường. Từ đó, cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện chuyển dịch theo hướng từng bước đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ và ứng dụng các mô hình sản xuất hiệu quả.
Chỉ tính trong năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện đạt 3.991 tỷ đồng, tăng 5,86% so với năm 2017; trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt chiếm 69,5%, chăn nuôi chiếm 30,5%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 3.332 tỷ đồng, tăng 12,86% so với năm 2017. Năm qua, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 54,3 triệu đồng.
Chăm lo tốt đời sống người dân
Thời gian qua, việc thực hiện các mô hình phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, quy mô tập trung theo hướng thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế luôn được huyện chú trọng. Trên cơ sở đó, đến nay các mô hình trồng cây ăn quả, rau trong nhà kín, hoa kiểng, mô hình nuôi gà thả vườn, mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi cá… trên địa bàn mang lại hiệu quả cao.
Theo đánh giá của UBND huyện, chương trình xây dựng NTM đã tác động to lớn đến việc phát triển mô hình, tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất trên địa bàn. Cùng với các chính sách phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, những năm qua chương trình giảm nghèo bền vững của huyện được xây dựng trên nền tảng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của cả nước, của tỉnh.
Đến nay, huyện đã đạt được kết quả tốt về giảm nghèo. Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo đến cuối năm 2018 (theo Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 13-2-2018 của UBND tỉnh phê duyệt bộ tiêu chí điều tra, rà soát hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018- 2020), toàn huyện có 133 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,59%; 820 hộ cận nghèo, chiếm 3,67% và 310 hộnghèo bảo trợ xã hội, chiếm 1,39%.
TIỂU MY