(BDO) Ngành công thương tỉnh đang tập trung nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số (CĐS) của các cơ quan, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, hướng đến mục tiêu vào năm 2030 Bình Dương trở thành đô thị thông minh với việc đổi mới căn bản, toàn diện bộ máy chính quyền số, các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Ông Nguyễn Trường Thi tại hội thảo CĐS ngành công thương
Số hóa 50 lớp dữ liệu
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, CĐS đang trở thành một xu thế quan trọng trong phát triển của xã hội nói chung và từng DN, đơn vị nói riêng. Tại Bình Dương, với thế mạnh là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp và thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tỉnh đã thực hiện các bước đi tích cực trong CĐS.
Từ năm 2017, Sở Công Thương đã ấp ủ và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công thương. Năm 2022, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về phê duyệt kế hoạch CĐS ngành công thương giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đẩy mạnh CĐS ngành công thương. Trong đó, Sở Công Thương tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng là: phát triển chính quyền số; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, phát triển kinh tế số và xã hội số, an toàn thông tin.
Đến nay, Sở Công Thương đã hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án cơ sở dữ liệu ngành; đã số hóa, quản lý lưu trữ dữ liệu của hơn 50 lớp dữ liệu hiện trạng, cập nhật, theo dõi khoảng 46 bảng dữ liệu thông tin biến động của DN. Toàn bộ hồ sơ giấy lưu trữ tại thời điểm triển khai dự án đều được chuyển thành file trên hệ thống, các thông tin trên hồ sơ được bóc tách và cập nhật vào các trường dữ liệu. Từ đó, việc làm này đã chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành lên Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh.
Ngành công thương khuyến khích các DN logitisc thực hiện CĐS để phát triển
“Sở cũng đã thực hiện CĐS quy trình xử lý nghiệp vụ của hơn 125 thủ tục hành chính thuộc 15 lĩnh vực do sở quản lý; ứng dụng 100% chữ ký số trong phát hành văn bản đi của cơ quan; tỷ lệ số hóa hồ sơ các thủ tục hành chính đạt trên 90%. Sở thực hiện các kết nối quốc tế, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường thông qua các hình thức trực tuyến…”, ông Nguyễn Trường Thi chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Trường Thi, những nỗ lực của ngành đã tạo thuận lợi cho người dân và DN khi thực hiện và kiểm tra việc xử lý các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả các hoạt động của ngành, giảm chi phí, tạo thuận lợi và minh bạch hơn trong quá trình điều hành, phân bổ nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ mà ngành được giao.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 68.000 DN, trong đó có khoảng 7.000 DN công nghệ thông tin; tỷ trọng thương mại điện tử đạt bình quân 8%. Hiện tại, Bình Dương đứng thứ 14 cả nước và đứng thứ 2 trong vùng Đông Nam bộ về phát triển kinh tế số. Bình Dương hiện có 1,76 triệu người dân đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 và 92% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 83,6% hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng…Dự kiến lĩnh vực thương mại điện tử của tỉnh sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, thúc đẩy kinh tế số địa phương phát triển.
Để hỗ trợ các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương xây dựng sàn thương mại điện tử với nhiệm vụ liên kết, giao lưu, hợp tác giữa các thành phần kinh tế và người tiêu dùng; triển khai các chương trình hỗ trợ DN từ khi bắt đầu tham gia đến lúc kinh doanh, hoạt động trên môi trường trực tuyến. Sàn thương mại điện tử Bình Dương sẽ kết nối và mở ra một "cánh cửa mới" cho cộng đồng DN tỉnh Bình Dương nói chung và DN vừa và nhỏ nói riêng phát triển thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Nỗ lực cho mục tiêu phát triển
Theo bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Chủ tịch Hiệp hội Logictisc Bình Dương, với nỗ lực CĐS, các DN logistics ngày một hoàn thiện, tối ưu các dịch vụ khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Toàn tỉnh đã hình thành 15 trung tâm logistics quy mô lớn, trong đó có 3 cảng cạn và 1 ga đường sắt quốc tế phục vụ xuất - nhập khẩu hàng hóa; hình thành 10 cảng sông, 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 2 kho CFS (điểm gom hàng lẻ) áp dụng các công nghệ số như hệ thống quản lý vận chuyển, theo dõi hàng hóa, truy xuất thông tin, tự động hóa quy trình và trao đổi dữ liệu. Qua đó, ngành logistics tỉnh có thể cải thiện quá trình vận chuyển, lưu trữ, quản lý hàng hóa và thông tin với mức độ chính xác và tốc độ nhanh hơn trong việc phân phối hàng hóa đến các tỉnh, thành trong khu vực và xuất khẩu.
Ngành công thương đồng hành cùng DN CĐS
GS.TS Trần Thọ Đạt, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, việc nghiên cứu phát triển kinh tế số là rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt cho các địa phương có tiềm năng và cơ hội phát triển như tỉnh Bình Dương theo đúng mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030 cho Việt Nam nói chung và cho tỉnh Bình Dương nói riêng. Bình Dương cần có những nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế số, đặc biệt là về bộ tiêu chí tổng hợp đánh giá được phát triển kinh tế số của tỉnh, thực trạng của kinh tế số theo khái niệm tổng quát và thống nhất; ước lượng quy mô kinh tế số và đánh giá được tác động của kinh tế số đến cơ cấu nền kinh tế và chất lượng tăng trưởng; xác định được các yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế số tại tỉnh. Qua đó, tỉnh có thể đánh giá tổng thể về kinh tế số tại địa bàn, có định hướng về chính sách và các giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế số đến năm 2030.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Bình Dương luôn đón nhận một cách tích cực các ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của chuyên gia, doanh nhân để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các quyết sách nhằm hỗ trợ thiết thực hơn nữa công tác CĐS trong bối cảnh kinh tế chính trị toàn cầu đang còn nhiều khó khăn như hiện nay. Tất cả vì mục tiêu phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
“Thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục thực hiện CĐS toàn diện, số hóa hoàn toàn các quy trình nghiệp vụ của sở; tích hợp hệ thống thông tin của sở với cơ sở dữ liệu mở của Bộ Công Thương, liên kết với cơ sở dữ liệu các ngành có liên quan như xây dựng, tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư… để tạo thành một hệ thống thông tin thống nhất, chia sẻ và khai thác dữ liệu hiệu quả. Ngành cũng tập trung hoàn thiện hệ thống báo cáo, thống kê; tích hợp các công nghệ hiện đại như AI, Big Data để hỗ trợ quá trình phân tích dữ liệu, hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết định chính xác và dự báo xu hướng. Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ tập trung, quan trọng hàng đầu của ngành phải thực hiện”. (Ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công Thương) |
TIỂU MY