Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo (BCĐ) đổi mới và phát triển kinh tế tập thể (KTTT) huyện Phú Giáo mới đây, về tình hình hoạt động KTTT trên địa bàn huyện.
Để phát triển KTTT, Phú Giáo cần có chính sách kích thích người dân đam mê làm giàu. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá sặc rằn của CLB nuôi cá nước ngọt xã Tam Lập. Ảnh: H.PHƯƠNG
Trong 6 tháng đầu năm 2016 huyện Phú Giáo đã thành lập mới được một hợp tác xã (HTX) là kết quả đáng ghi nhận và rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhìn tổng thể toàn huyện Phú Giáo hiện chỉ có 7 HTX được thành lập nhưng lại có đến 3 HTX hiện nay của huyện Phú Giáo hiện đang tạm ngưng hoạt động và chờ giải thể là một vấn đề đáng để quan tâm và đòi hỏi Huyện ủy, UBND huyện, BCĐ đổi mới và phát triển KTTT huyện cần có cái nhìn và đánh giá lại để có những chiến lược phát triển mô hình KTTT cho phù hợp.
Theo ông Trần Thanh Liêm, KTTT có một vai trò cực kỳ quan trọng, thúc đẩy nền kinh tế của một địa phương còn khó khăn như Phú Giáo phát triển. KTTT là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Do đó, yêu cầu BCĐ đổi mới và phát triển KTTT huyện Phú Giáo là phải không ngừng đổi mới, phát triển mô hình kinh tế này phù hợp với tình hình của địa phương. Để làm được điều đó, Huyện ủy Phú Giáo cần quan tâm củng cố BCĐ KTTT huyện, củng cố lại các HTX và tổ hợp tác (THT); đẩy mạnh công tác tuyên truyền về KTTT đến với người dân, tạo niềm tin cho nhân dân vào mô hình này.
Ngoài ra, huyện cần nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình KTTT hay, kích thích người dân đam mê làm giàu. Đồng thời để KTTT phát triển và kích thích được người dân đam mê làm giàu thì huyện Phú Giáo cần có chiến lược phát triển cụ thể ở từng lĩnh vực để thúc đẩy KTTT phát triển phù hợp; huy động tối đa các nguồn vốn cho việc phát triển mô hình KTTT, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Huyện cũng cần tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc của người dân trong quá trình phát triển KTTT hiện nay để đáp ứng yêu cầu đề ra.
Theo báo cáo của BCĐ đổi mới và phát triển KTTT huyện Phú Giáo thì tính đến tháng 6- 2016, toàn huyện có 7 HTX được thành lập. Trong đó có 4 HTX đang hoạt động, với 33 xã viên. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 14 tỷ đồng. Có 3 HTX hiện đang tạm ngưng hoạt động. Tuy nhiên, trong 7 HTX hiện nay trên địa bàn huyện thì chỉ có 2 HTX được thành lập sau năm 2012 phù hợp với Luật HTX 2012 là HTX dịch vụ Thanh Bình và HTX nông nghiệp Bình Dương, còn lại 5 HTX hiện đang được BCĐ đổi mới KTTT huyện vận động chuyển đổi trong thời gian tới. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn huyện còn có 19 THT, với hơn 220 tổ viên. Các THT này hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt và cơ bản phù hợp với Nghị định 151 của Chính phủ.
Về tình hình hoạt động KTTT 6 tháng đầu năm 2016, hiện có 3 HTX tạm ngưng hoạt động nhưng chưa làm thủ tục giải thể, còn 4 HTX đang hoạt động như: Quỹ tín dụng nhân dân Phước Hòa hoạt động ổn định và có hiệu quả, với tổng thành viên hơn 7.130 người, tăng 220 người, giải quyết việc làm cho 25 lao động thường xuyên, lợi nhuận đạt được hơn 744 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 270 triệu đồng, thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên đạt 7 triệu đồng/ người/tháng; HTX nông nghiệp Minh Trí, xã Tam Lập hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh chăn nuôi gia súc (nuôi heo trại lạnh), với 7 xã viên; doanh thu 6 tháng đạt hơn 1,2 tỷ đồng; thu nhập bình quân xã viên đạt 10 triệu đồng/tháng. HTX gỗ mỹ nghệ Hoàng Anh (xã Tân Long) có 8 xã viên và 15 lao động, ngành nghề hoạt động là sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 4 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 9 triệu đồng/người/tháng.
Trong 6 tháng đầu năm, huyện Phú Giáo thành lập mới được 1 HTX nông nghiệp Bình Dương (xã Phước Sang), với ngành nghề hoạt động là buôn bán phân hữu cơ, nông, lâm sản, động vật sống, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhân và chăm sóc cây giống nông nghiệp, vận tải hành khách, hàng hóa; có 7 xã viên và 16 lao động; vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả các mô hình KTTT theo BCĐ KTTT huyện thì trong thời gian tới, BCĐ sẽ tích cực phát huy vai trò liên kết, phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cao hiệu quả của các THT, HTX. Song song với đó hỗ trợ các HTX khắc phục những yếu kém; Xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ cho KTTT về tài chính, đất đai, tín dụng, thuế, KHCN, cung cấp thông tin giá cả thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện để các HTX bình đẳng với các thành phần kinh tế. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT, phát triển HTX gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lồng ghép các chương trình, dự án.
HẢI SÂM