Phát triển mạnh nông nghiệp đô thị

Cập nhật: 07-09-2018 | 05:34:45

 Đối với lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay TP.Thủ Dầu Một chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển mạnh nông nghiệp đô thị (NNĐT) để tạo bước phát triển bền vững kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Những năm qua, tuy diện tích đất nông nghiệp liên tục bị thu hẹp nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP.Thủ Dầu Một vẫn tăng, nhờ các địa phương đã thực hiện tốt chủ trương chuyển từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp đô thị. Nhất là tại các địa phương thuần nông trước đây như Tân An, Chánh Mỹ, Phú Mỹ… quá trình này đang diễn ra rộng khắp và mang lại hiệu quả tích cực.

Mô hình trồng lan của ông Bùi Văn Sang, phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Tại phường Tân An, phần lớn diện tích lúa có năng suất thấp đều được chuyển sang trồng cây ăn trái, hoa lan - cây kiểng, mang lại giá trị tăng 3 - 5 lần so với trước đây. Đến nay, diện tích gieo trồng tại Tân An còn khoảng 232,1 ha, trong đó diện tích cây trồng lâu năm là 178,5 ha, diện tích cây cao su 21 ha, cây mía 8,5 ha, cây nông nghiệp đô thị 4 ha, còn lại là các loại cây khác. Để duy trì và phát triển vườn cây ăn trái, phường đã vận động nông dân tham gia tổ liên kết sản xuất cây ăn trái. Tham gia tổ liên kết, các hộ dân được hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng thực hiện quy trình sản xuất trái cây chất lượng cao; được xem xét nhận nguồn vốn 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để phát triển, cải tạo vườn cây... Nhờ vậy, những năm gần đây người dân trong phường có xu hướng đầu tư vào vườn cây ăn trái và cây nông nghiệp đô thị, góp phần mang lại thu nhập khá cho người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.

Tại phường Phú Hòa, nhiều mô hình kinh tế NNĐT đã hình thành; các mô hình trồng hoa lan, nuôi bò sữa… cho năng suất khá cao và có đầu ra ổn định. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Thích đã thực hiện thành công mô hình trồng hoa lan. Ông Thích cho biết, trước đây kinh tế gia đình ông chủ yếu nuôi gà, nhưng do dịch bệnh xảy ra nên thường xuyên bị thua lỗ. Sau đó, ông chuyển sang trồng hoa lan. Với diện tích đất khoảng 2.500m2 ông đầu tư trồng trên 7.000 gốc lan; trung bình mỗi tuần ông có thu nhập khoảng 7 triệu đồng. Ông cho hay, nếu được tập huấn, cập nhật kỹ thuật nuôi trồng hoa lan thường xuyên, người trồng lan chịu khó tìm hiểu thị trường tiêu thụ thì người trồng lan có thu nhập khá so với làm nông nghiệp truyền thống.

Tại các phường Chánh Nghĩa, Phú Cường, Phú Thọ… nhiều gia đình đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá kiểng, chim cảnh; cung cấp, phân phối, thiết kế sân vườn, vườn cây xanh cho các khu dân cư, công viên hộ gia đình… Nhờ cần cù, sáng tạo, nhạy bén nắm bắt và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nên việc chuyển qua mô hình nông nghiệp đô thị của các hộ nông dân trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho các gia đình, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Theo ông Bùi Quốc Trinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân An, việc chuyển hướng kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch được xem là giải pháp không những góp phần giúp nông dân tăng thêm nguồn thu nhập, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế vườn tại địa phương. Đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu NNĐT theo hướng bền vững của địa phương. Có thể thấy, để có được kết quả nói trên, các cấp Hội Nông dân đã tích cực tuyên truyền, giúp nông dân lựa chọn mô hình để chuyển dịch theo hướng NNĐT phù hợp. Bên cạnh đó, thành phố cũng có nhiều chính sách khuyến khích người dân, nhất là hỗ trợ vốn sản xuất để người nông dân chuyển dịch thành công...

 

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=446
Quay lên trên