Xác định nhãn hiệu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, những năm qua tỉnh Bình Dương đã triển khai xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) nhằm bảo tồn và phát triển các sản phẩm đặc trưng gắn với địa danh tỉnh nhà như gốm sứ Bình Dương, sơn mài Bình Dương, bưởi Bạch Đằng, măng cụt Lái Thiêu… Ngoài việc duy trì nét đặc trưng của các sản phẩm truyền thống của tỉnh, việc phát triển NHTT còn mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, hội viên sử dụng NHTT.
Từ khi có NHTT, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Bình Dương được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao. Trong ảnh: Sản xuất tranh sơn mài từ vỏ trứng. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Bảo hộ thương hiệu
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN), tính đến nay trên địa bàn tỉnh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã cấp giấy chứng nhận NHTT cho Gốm sứ Bình Dương, Sơn mài Bình Dương, Măng cụt Lái Thiêu, Bưởi Bạch Đằng, Bánh tráng Danh Lễ Thanh An, Hiệp lực Bình Dương, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương và Hoa lan Đất Thủ. Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương (đơn vị quản lý NHTT Sơn mài Bình Dương) cho biết, để sản xuất ra một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh, đơn vị thực hiện phải qua quá trình trên 20 công đoạn, đồng thời đòi hỏi yêu cầu về kỹ thuật riêng, vừa tỉ mỉ lại vừa công phu.
Trải qua nhiều thời kỳ, sơn mài Bình Dương vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống với nét độc đáo riêng. Từ thực tế đó, yêu cầu đặt ra với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sơn mài, điêu khắc là phải xây dựng một cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sơn mài Bình Dương và thành lập một tổ chức (tập thể) để cùng nhau gìn giữ, bảo vệ giá trị văn hóa của địa phương cũng như khai thác giá trị kinh tế của sản phẩm sơn mài, điêu khắc một cách phù hợp và hiệu quả cao. Qua gần 2 năm chuẩn bị, tháng 7-2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận NHTT Sơn mài Bình Dương. Đây có thể nói là dấu mốc quan trọng để khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm của sơn mài Bình Dương trên thị trường trong nước và quốc tế.
Lãnh đạo Phòng Kinh tế TX.Thuận An cho biết, NHTT Măng cụt Lái Thiêu được công bố vào tháng 6-2014. Đây chính là kết quả trong 3 năm (2011-2013) ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân trồng măng cụt chất lượng cao tại các phường Hưng Định, An Thạnh, Bình Nhâm và xã An Sơn thực hiện đúng các quy trình sản xuất, tiêu chí về trọng lượng quả, độ đường, an toàn thực phẩm... theo quy trình, tiêu chuẩn thực hiện nông nghiệp tốt (VietGAP). Sau khi có nhãn hiệu, các nhà vườn đã có ý thức cần phải liên kết lại với nhau thông qua việc tổ chức các câu lạc bộ hay tổ kinh tế tập thể để có cùng một quy trình sản xuất cho chất lượng cây ăn trái đồng đều. Từ đó nhằm cung ứng trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định và uy tín trên thị trường.
Ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KHCN đánh giá, việc xây dựng NHTT là một trong những biện pháp phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và cho xã hội. Qua đó góp phần làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.
Nâng cao hiệu quả kinh tế
Có thể nói, sau khi được cấp chứng nhận NHTT, nhiều thương hiệu tại Bình Dương được khẳng định về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ. Qua đó đã tăng nguồn thu kinh tế đáng kể cho các hội viên, thành viên sử dụng NHTT.
Theo ông Linh, hiện nay các sản phẩm sơn mài Bình Dương được nhiều nước ưa chuộng, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng giá trị hàng mỹ nghệ xuất khẩu của cả tỉnh. Thực tế thời gian qua cho thấy, từ những mặt hàng mỹ nghệ gia dụng nhỏ, các cơ sở đã phát triển thành nhiều sản phẩm ngày càng lớn hơn, có giá trị kinh tế cao, giành nhiều huy chương vàng tại các hội chợ quốc tế. Trong thời gian gần đây, tuy chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ mặt hàng cùng loại của các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhưng tỷ lệ sản phẩm sơn mài của Bình Dương tiêu thụ ở thị trường nội địa vẫn giữ vững. Ngoài ra, ngành du lịch của tỉnh cũng đã kết hợp với các hộ sản xuất sơn mài để giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến du khách, từ đó cũng góp phần tăng thêm nguồn thu.
Ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KHCN khuyến cáo, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu đã khó nhưng việc quản lý, phát triển thương hiệu càng khó hơn nhiều. Do đó, để bảo đảm uy tín các sản phẩm đã cấp NHTT, những hội viên, thành viên đạt các tiêu chuẩn theo quy định thì mới được sử dụng NHTT. Có như vậy các sản phẩm mới bảo đảm chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững hơn. |
Đối với sản phẩm bưởi Bạch Đằng, sau khi có NHTT, Hội Nông dân xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên đã tiếp tục triển khai mô hình “3 nhà”: Nhà quản lý, nhà vườn và nhà khai thác. Với mô hình này, việc phát triển kinh tế từ bưởi Bạch Đằng đã tạo ra mô hình kinh doanh khép kín từ khâu sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm cho đến khâu tiêu thụ, giúp người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh loại quả này. Cụ thể trước đây khi chưa có bao gói, dán nhãn hiệu… 10 quả bưởi nhàvườn ở Bạch Đằng bán với giá từ 300.000 - 350.000 đồng. Sau khi nhàvườn tham gia dự án này, 10 quả bưởi bán với giá từ 400.000 - 450.000 đồng.
Bên cạnh việc đem lại hiệu quả kinh tế khi được bảo hộ sản phẩm thì việc giữ vững và duy trì NHTT cũng là vấn đề được đặt ra không chỉ đối với chủ sở hữu mà còn đối với các ngành chức năng. Lãnh đạo Phòng Kinh tế TX.Thuận An nhận định, việc sở hữu nhãn hiệu Măng cụt Lái Thiêu chỉ là thành công bước đầu, khó nhất là bảo vệ và phát triển nhãn hiệu sau này. Bởi đây là NHTT dùng chung cho tất cả nông dân; có sự ràng buộc, gắn kết trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp thì sẽ dẫn đến việc lạm dụng nhãn hiệu, gây hậu quả xấu.
“Mặc dù đã có thương hiệu hoa lan tập thể nhưng nhiều thành viên Câu lạc bộ Hoa lan Bình Dương vẫn chưa dán NHTT trên sản phẩm vì một số nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Do đó, trong thời gian tới Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ sẽ khuyến khích các thành viên dán NHTT trên sản phẩm để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hoa và để tạo lợi thế cạnh tranh với hoa lan nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc…”, ông Lê Văn Đạt, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trang trại hoa lan Bình Dương nói.
HOÀNG PHẠM
Sở Khoa học và Công nghệ: Hướng dẫn trên 590 tổ chức, cá nhân thủ tục đăng ký và xác lập quyền
Thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn cho 591 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thủ tục đăng ký và xác lập quyền (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích); hướng dẫn cho 66 đơn vị sửa đổi giấy chứng nhận nhãn hiệu, gia hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ, cấp phó bản.
Bên cạnh đó, từ kết quả dự án Xây dựng và Phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) Sơn mài Bình Dương và NHTT Bưởi Bạch Đằng, đã có 4 tổ chức áp dụng mô hình quản lý và sử dụng NHTT và đã được Cục Sở hữu trí tuệ xác lập quyền NHTT, gồm Gốm sứ Bình Dương, Hiệp lực Bình Dương, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương và Măng cụt Lái Thiêu.
KHÁNH ĐĂNG