Phát triển nông thôn Bình Dương giai đoạn 2007-2010: Tạo tiền đề cơ bản cho xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 16-05-2011 | 00:00:00

Qua 4 năm thực hiện đề án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn Bình Dương (đề án) đã làm cho nông thôn đổi mới, phát triển và tạo ra những tiền đề cơ bản cho quá trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

 Những kết quả khả quan

Trong 4 năm qua (2007-2010), Đảng bộ, các cấp chính quyền trong tỉnh đã triển khai thực hiện đề án trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn đan xen nhau do tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế thế giới, đặc biệt là việc huy động các nguồn vốn đầu tư. Song, với sự chỉ đạo kịp thời và sự quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, các cấp chính quyền đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ của đề án, góp phần tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của tỉnh nhà.

 

Đề án đã góp phần nâng cao hịêu quả sản xuất của nông dân. Trong ảnh: Thu hoạch cà tím tại xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên

Kết quả chung của đề án là đã làm cho các mặt của xã hội nông thôn Bình Dương đều có sự chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, đồng bộ; đời sống của cư dân nông thôn được nâng cao rõ rệt. Trong 4 năm, thông qua đề án, Bình Dương đã xây dựng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông trên địa bàn các huyện nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đã thực hiện đầu tư xây dựng 2.215 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 1.070,85km, tổng kinh phí đầu tư là 846.717 triệu đồng, nâng tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường huyện đến cuối năm 2010 đạt 79,2%. Các tuyến giao thông giữa khu vực thành thị và nông thôn tỉnh đã được kết nối xuyên suốt, góp phần tích cực trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu thông thương của người dân. Đến cuối năm 2010, 100% xã, ấp có điện và tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99%, trong đó khu vực nông thôn đạt 98,85%. Tổ chức thi công và đưa vào sử dụng 9 công trình thủy lợi, nâng tổng số lên 49 công trình, cung cấp nước tưới bình quân hàng năm cho sản xuất nông nghiệp là 29.594,6 ha, tiêu thoát nước chống ngập úng 14.626 ha. Đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; 96,7% số xã đạt chuẩn về y tế; 100% xã, phường, thị trấn có bác sĩ phục vụ...

Toàn tỉnh hiện có 419 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 9.761 thành viên; số trang trại là 1.773 với tổng số lao động thường xuyên là 9.154, tổng diện tích đất sản xuất là 16.960 ha; số hợp tác xã nông nghiệp là 13 với 627 thành viên. Bình Dương cũng đã quy hoạch và triển khai xây dựng 3 khu nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng được 11 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được các thành phần kinh tế đầu tư phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 100% trường học được xây dựng kiên cố; 40% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, bảo đảm 100% trẻ em đến độ tuổi đi học được đến trường; có 30 cơ sở đào tạo nghề, hàng năm đào tạo và giải quyết việc làm cho khoảng 46.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%...

Tiền đề cơ bản cho xây dựng nông thôn mới

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan nhưng thực tế triển khai cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn bất cập cần khắc phục cho quá trình phát triển của nông thôn Bình Dương trong giai đoạn tới như: công trình văn hóa, quy hoạch chi tiết cụm dân cư; chợ nông thôn... đạt thấp. Môi trường đầu tư tại nông thôn vẫn chưa hấp dẫn; tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng; một số công trình triển khai chậm, chưa đồng bộ; các thiết chế văn hóa phát triển chưa tương xứng với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhà ở và cơ sở phục vụ  văn hóa - xã hội các vùng nông thôn còn thấp.

Kết quả chung của đề án mang lại trong thời gian qua đã làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tích cực. Chính những thay đổi tích cực này là tiền đề cơ bản cho việc xây dựng nông thôn mới của Bình Dương trong giai đoạn tới. Tuy xuất phát điểm của nhiều xã chọn xây dựng nông thôn mới Bình Dương còn thấp nhưng nhìn chung đó là do công tác quy hoạch chưa được chú ý. Với các kết quả mà đề án mang lại, nếu có các quy hoạch phù hợp, tiếp đà phát triển trong thời gian tới thì việc đạt được các tiêu chí cũng như các kế hoạch cho từng giai đoạn của quá trình xây dựng nông thôn mới Bình Dương là điều chắc chắn.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên