Phát triển ổn định trong hội nhập: Doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn

Cập nhật: 04-05-2019 | 09:43:38

Trong những tháng đầu năm 2019, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước; hoạt động xuất khẩu tiếp tục đạt kết quả khả quan.


Dây chuyền sản xuất tại Công ty Giày Đông Hưng.
Ảnh: P.V

Các ngành chủ lực tăng trưởng khá

Trong tháng 4-2019, một số ngành có sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh tăng trưởng mạnh, điển hình như kim ngạch xuất khẩu gỗ ước đạt 307,6 triệu USD, tăng 4,4% so với tháng trước; dệt may ước đạt 276,4 triệu USD, tăng 4,5% so với tháng trước; giày dép ước đạt 307 triệu USD, tăng 4% so với tháng trước...

Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng đang có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng cao, chi phí sản xuất thấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp dệt, nhuộm, chế tạo nguyên phụ liệu nhằm đáp ứng được quy định về xuất xứ hàng hóa theo cam kết của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Hiện có nhiều doanh nghiệp thành viên đã nhận đơn hàng đến năm 2020.

Đối với ngành gỗ, hiện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) đang nỗ lực cập nhật kiến thức hội nhập kinh tế cho các doanh nghiệp thành viên. Nhiều doanh nghiệp gỗ cũng đang mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời xúc tiến ký kết thêm các hợp đồng xuất khẩu trong năm 2019. Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, đối với ngành gỗ, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tạo nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa, đồ nội thất… khi thuế nhập khẩu được xóa bỏ. Với những thuận lợi nói trên, ông Hiệp cho rằng ngành gỗ cả nước sẽ hoàn thành mục tiêu 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.

Còn nhiều thách thức

Ông Nguyễn Trường Thi, Trưởng phòng Quản lý đầu tư và hợp tác quốc tế Sở Công thương, cho biết theo tính toán, tham gia CPTPP, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035; trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 - 26.000 lao động. 

Bên cạnh đó, việc ký kết hiệp định thương mại tự do với các nước trong CPTPP sẽ giúp Việt Nam có nhiều thuận lợi cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế nước nhà. Điều quan trọng nữa, tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực.

Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế luôn đi kèm với các rủi ro, thách thức. Khi CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Bình Dương nói riêng phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất cao, vì trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong nước đang rất thấp, trong khi hàng rào thuế quan, phi thuế quan sẽ không còn là “cứu cánh”. CPTPP đòi hỏi tiêu chuẩn cao và khắt khe đối với các quốc gia tham gia. Những doanh nghiệp không thích ứng được tất yếu sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí có thể bị phá sản, một bộ phận công nhân sẽ mất việc làm. Đồng thời, các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để tìm hiểu các quy định quốc tế, đáp ứng khả năng về ngoại ngữ (tiếng Anh) để làm việc chủ động...

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong thời gian tới, sở sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực hội nhập của doanh nghiệp; tổ chức tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những vướng mắc. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh, đa dạng hóa xúc tiến thương mại, đầu tư, qua đó nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tham gia hội nhập, quản trị doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Phi Long, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) Bộ Công thương, cho biết cục đang có chương trình nâng cao năng lực XTTM cho các tổ chức XTTM trong nước và doanh nghiệp. Theo đó, cục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công thương, các bộ, ngành khác và các địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn cho các đơn vị liên quan, doanh nghiệp về kỹ năng XTTM, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm; đào tạo kỹ năng xây dựng kế hoạch, quản lý và thực hiện các đề án XTTM cho các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan XTTM địa phương nhằm nâng cao hiệu quả triển khai XTTM, chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia XTTM. Bên cạnh đó, cục phối hợp với các cơ quan, tổ chức nước ngoài đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường…

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên