Trong những ngày đầu mới tái lập huyện cách nay 20 năm (20.8.1999 - 20.8.2019), từ cơ sở vật chất, đường sá đến đời sống người dân huyện Phú Giáo… còn vô vàn khó khăn. Nhờ phát huy tốt thế mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ… nên đến nay bộ mặt huyện nhà đã thay đổi mạnh mẽ; thu nhập của người dân đạt trên 54 triệu đồng/năm.
Bộ mặt đô thị huyện Phú Giáo ngày càng khang trang, hiện đạ.i Ảnh: DUY CHÍ
Đòn bẩy nông nghiệp công nghệ cao
Là người con lớn lên trên mảnh đất Phú Giáo, bà Lê Thị Hương, Bí thư Đảng ủy xã An Long, chia sẻ so với những năm đầu mới chia tách huyện, hôm nay từ thu nhập của người dân cho đến đường giao thông, trường học, hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn huyện đã khác xưa rất nhiều. Thành quả này có được là nhờ sự cố gắng, đoàn kết một lòng của các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong huyện cùng thực hiện mục tiêu: Tạo môi trường sống tốt hơn, thu nhập ngày một cao hơn cho người dân địa phương. Hiện tại, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có bước chuyển biến rõ nét.
Đến nay, tổng diện tích nông nghiệp chuyển đổi sang trồng các loại rau ăn lá, ăn quả, trồng hoa lan ƯDCNC lên đến 500 ha; tổng diện tích trang trại chăn nuôi trên 500.000m2, trong đó có nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao. Các trang trại sản xuất NNƯDCNC trong trồng trọt như trang trại trồng dưa lưới, rau an toàn, cây có múi, các cây ăn trái (chuối, bưởi, cam, sầu riêng…) với quy mô diện tích từ vài ngàn m2 (trồng hoa lan, rau…) đến vài chục ha (dưa lưới, cây ăn trái…).
Ông Phạm Văn Chánh, Bí thư huyện ủy Phú Giáo: Chung tay phát triển quê hương văn minh, giàu đẹp Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Phú Giáo luôn tự hào về vùng đất Phước Thành năm xưa rất đỗi hào hùng, oanh liệt, dũng cảm, mưu trí trong chống giặc ngoại xâm. Càng tự hào hơn về vùng đất và người dân nơi đây hôm nay luôn cần cù, sáng tạo, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, chung tay đưa huyện nhà ngày một phát triển văn minh, giàu đẹp, quyết tâm xây dựng Phú Giáo thành huyện nông thôn mới có nền nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế phát triển bền vững, môi trường xanh, sạch, đẹp. |
Các trang trại NNƯDCNC trồng rau ăn lá có doanh thu bình quân khoảng 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng/ha/năm, trồng hoa lan gần 2 tỷ đồng/ha/ năm, trồng cây ăn trái trên 1 tỷ đồng/ha/năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm khoảng 1 tỷ đồng/ trang trại… Có thể kể đến một số trang trại điển hình như trang trại trồng rau của ông Nguyễn Mạnh Phong, ấp Gia Biện, xã Tam Lập đạt sản lượng 120 tấn/năm, doanh thu trung bình khoảng 1 tỷ đồng/năm; trang trại trồng 25 ha bưởi da xanh của ông Nguyễn Đức Thắng, ấp Gia Biện, xã Tam Lập đạt sản lượng 100 tấn/năm, doanh thu trên 30 tỷ đồng/năm; trang trại trồng dưa lưới của ông Nguyễn Văn Cường, xã An Bình đạt doanh thu 1 tỷ đồng/năm...
Mọi người dân được tiếp cận phúc lợi xã hội
Những năm đầu mới tái lập, nông nghiệp và nông thôn của huyện chưa được quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp. Đến năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện đạt 3.991 tỷ đồng, tăng 5,86% so với năm 2017; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 3.332 tỷ đồng, tăng 12,86% so với năm 2017; thu nhập bình quân đạt trên 54 triệu đồng/ người/năm...
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến 2018 trên địa bàn 10 xã, huyện đã đầu tư 4.497 tỷ 278 triệu đồng xây dựng các công trình hạ tầng. Nhân dân trong huyện đóng góp để xây dựng nông thôn mới thông qua việc góp công lao động, hiến đất, tài sản trên đất, cây hoa màu trên đất... tổng giá trị trên 508 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay 100% tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% tuyến đường trục ấp và đường liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa; 100% các tuyến đường ngõ, xóm sạch và không còn lầy lội vào mùa mưa; 100% tuyến đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.
Đối với hệ thống đường huyện, địa phương hiện có 20 tuyến với tổng chiều dài 205,073km, 28 tuyến đô thị dài 40,988km. Toàn huyện còn có 746 tuyến đường xã, thị trấn với tổng chiều dài 64,895km. Tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn huyện quản lý là 872,969km đều được quản lý, duy tu, sửa chữa bảo trì hàng năm, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà ngày một tốt hơn.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Ông Nguyễn Châu Long, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện, cho biết để phát triển bền vững NNƯDCNC, UBND huyện chú trọng phát triển NNƯDCNC từ khâu chọn giống đến thu hoạch bảo đảm chất lượng, kết hợp với bảo vệ môi trường. Đến nay, trên địa bàn huyện cơ bản đã hình thành các vùng sản xuất tập trung cây trồng có tính cạnh tranh cao. Các trang trại đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm của mình trên thị trường.
Trong những năm qua, sản xuất NNƯDCNC trên địa bàn huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân. Theo đó, các loại cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp được chuyển sang trồng các loại cây lâu năm, sử dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao; các khâu làm đất, tưới tiêu, sơ chế, vận chuyển nông sản đã được cơ giới hóa…
Bà Hương kiến nghị, thực tế cho thấy ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại kết quả to lớn. Tuy vậy, đặc thù của xã An Long nông dân trồng cao su tiểu điền nên việc chuyển đổi, ứng dụng công nghệ là vấn đề khó. Để quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau” được phát huy, người nông dân cần được hỗ trợ vốn hoặc các chính sách tốt hơn, nhất là chính sách về đất đai, giúp họ phát huy tốt các quyền sử dụng đất, từ đó phát triển kinh tế gia đình ổn định.
DUY CHÍ