Các sư cô phát quà Tết Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại chùa Hội Khánh
- Có thể nói, các bước chuẩn bị tổ chức Tết Trung thu cho TE năm 2013 đến giờ này đã ổn từ vật chất đến tinh thần. Mục đích tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE. Với chủ đề: “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho TE nghèo và TE có HCĐB”, Tết Trung thu năm nay sẽ có nhiều hoạt động vui chơi để tất cả TE, đặc biệt là TE nghèo và TE có HCĐB được đón Tết Trung thu an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng và bổ ích; định hướng cho các em tham gia sinh hoạt các trò chơi truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, không ngừng huy động các nguồn lực trong xã hội cùng chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ TE, nhất là TE nghèo và TE có HCĐB.
- Mỗi năm, Tết Trung thu sẽ luân phiên tổ chức địa điểm khác nhau, trong đó ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa. Như vậy, kế hoạch Tết Trung Thu năm nay sẽ tổ chức ở đâu?
- Để tất cả TE được đón Tết Trung thu , ngay cả TE ở vùng sâu, vùng xa, 3 năm trở lại đây, chúng tôi đều luân phiên thay đổi địa bàn để tổ chức. Năm nay, Tết Trung thu ở Bình Dương sẽ được tổ chức tại trung tâm huyện lỵ Phú Giáo. Hiện Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã giao trách nhiệm cho Phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Giáo xây dựng kế hoạch, kinh phí để tham mưu cho UBND huyện chủ trì, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức đêm Lễ hội Trung thu năm 2013 thật hoành tráng và ấm cúng không chỉ đối với TE mà ngay cả phụ huynh của các em đến tham dự.
Không chỉ cấp tỉnh tổ chức Tết Trung thu cho TE mà ở cấp huyện và cấp xã, ngành LĐ- TB&XH sẽ chủ động tham mưu với UBND, các ban ngành, đoàn thể cùng cấp xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức Tết Trung thu với tinh thần tiết kiệm và vui tươi.
- Bà có thể cho biết hoạt động tại lễ hội Tết Trung thu năm nay?
- Theo dự kiến, ngay đêm tổ chức Tết Trung thu sẽ có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích; định hướng, giáo dục trẻ em giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia các hoạt động văn hóa, trò chơi truyền thống; sáng tạo tự tạo trò chơi, đồ chơi; sử dụng đồ chơi sản xuất trong nước. Ngoài ra, ở các huyện, thị, thành phố còn tổ chức các chương trình văn nghệ, cắm trại, thi lồng đèn đẹp, thi các trò chơi và làm đồ chơi dân gian, các giải thể thao TE (bóng đá, cầu lông, đá cầu…), tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử, chiếu phim, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ… phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Hoạt động truyền thông cũng được lồng ghép vào các hoạt động vui chơi, giải trí khác; thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE; tạo cơ hội cho chính bản thân TE được tiếp cận với những thông tin phù hợp với trình độ, lứa tuổi, sở thích, nhu cầu, bảo đảm quyền cơ bản của TE, như nghe chúc Tết Trung thu của Chủ tịch nước; nêu gương những doanh nghiệp, những Mạnh Thường Quân đã giúp đỡ, ủng hộ TE nghèo, TE có HCĐB có điều kiện học tập, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa văn nghệ, phát triển năng khiếu...
Đáng quan tâm nhất là các hoạt động vận động xã hội, thăm hỏi, tặng quà cho TE. Quỹ Bảo trợ TE tỉnh sẽ vận động gây quỹ, giúp đỡ cho TE nghèo, TE có HCĐB; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức vui Tết Trung thu cho TE, tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho TE hiện đang tham gia sinh hoạt tại 20 Câu lạc bộ “Trẻ em với phòng chống HIV/ AIDS” của TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An.
- Xin cám ơn bà!
THU THẢO (thực hiện)