Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phối hợp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của “tam nông” ngày càng văn minh, hiện đại.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã nâng cao giá trị nông nghiệp. Trong ảnh: Mô hình áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây rau ăn lá tại Bàu Bàng
Kết quả
Qua 2 năm (2022-2023) triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Sở NN&PTNT và Hội Nông dân tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, ngành nông nghiệp và các cấp hội nông dân chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức với nhiều nội dung phù hợp liên quan lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, an toàn thực phẩm…
Kết quả, đã hướng dẫn xây dựng 27 mô hình áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý sức khỏe cây trồng và sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đăng tải 5 video hướng dẫn quy trình cấp, thu hồi mã số vùng trồng/cơ sở đóng gói và hướng dẫn xuất khẩu chanh leo, sầu riêng sang thị trường Trung Quốc; xây dựng mới 15 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt 150% so với chỉ tiêu.
Trong mô hình quản lý chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, sự phối hợp đã giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng sản lượng, giá trị và xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Thông qua logo nhận diện “sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn”, người tiêu dùng sẽ phân biệt được sản phẩm đã kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi với các sản phẩm khác để lựa chọn. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã hướng dẫn và xác nhận 80 sản phẩm thực hiện chuỗi (vượt 60%) theo Quyết định 3075/QĐ-BNN-QLCL của Bộ NN&PTNT…
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được hai đơn vị phối hợp tổ chức hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 143 sản phẩm OCOP gồm 10 sản phẩm 4 sao và 133 sản phẩm 3 sao, với 79 chủ thể. Trong đó, có 12 hợp tác xã là chủ thể được chứng nhận OCOP với 18 sản phẩm.
Từ những kết quả đạt được trong chương trình phối hợp, đã góp phần rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh. Nông nghiệp của tỉnh những năm trở lại đây phát triển nhanh và toàn diện trong điều kiện không gian ngày càng thu hẹp, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt gần 3%. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nông dân Bình Dương ngày càng phát huy tốt vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Nông thôn gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới từng bước phát triển theo hướng hiện đại, xanh - sạch - đẹp, với 41/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 70,73% so kế hoạch), có 3/6 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng bộ giải pháp
Không gian nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình phát triển công nghiệp và đô thị, lực lượng lao động trẻ trong nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh sang công nghiệp và dịch vụ, dư địa phát triển nông nghiệp theo sản lượng không còn nhiều. Thực tế đó đặt ra những yêu cầu mới trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, để phát huy hơn nữa vai trò của Sở NN&PTNT và Hội Nông dân tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hai đơn vị cần tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp. Tiếp tục quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Mặt khác, hai ngành tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các quyết định, kế hoạch liên quan chương trình OCOP, khuyến nông, chuyển đổi số, đề án nông nghiệp hữu cơ; cơ cấu lại ngành nông nghiệp…
Song song đó, tập trung phối hợp hỗ trợ phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo gắn chương trình OCOP và phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là phát triển các hợp tác xã để quản lý vận hành, khai thác các nhãn hiệu tập thể đã được cấp chứng nhận. Phối hợp công tác dạy nghề, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và chuyển đổi tư duy của nông dân, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, hợp tác liên kết, sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn. Ngoài ra, hai cơ quan định kỳ 6 tháng tổ chức giao ban, gặp gỡ, đối thoại với các hợp tác xã trên địa bàn để đánh giá tình hình, thực trạng hoạt động, kịp thời đề ra các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết nhằm giúp các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.
THOẠI PHƯƠNG