Phòng, chống các loại dịch bệnh: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và từng người dân

Cập nhật: 26-07-2022 | 07:36:35

 Sáng 25-7, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh, cùng sự hỗ trợ của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (nhãn hàng Lifeboy) đã tổ chức mít tinh phát động vệ sinh môi trường (VSMT) và vệ sinh cá nhân phòng, chống dịch bệnh và hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2022. Dự lễ mít tinh có bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Trong bối cảnh dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, chiến dịch kêu gọi các cấp chính quyền địa phương, người dân cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh vì sức khỏe cộng đồng.

 

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại Trạm Y tế phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một

 Các loại dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp

Theo ngành y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Dịch Covid-19 gia tăng tại nhiều quốc gia châu Âu liên quan đến các biến thể phụ của biến chủng Omicron. Trong khi bệnh đậu mùa khỉ cũng đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh tay chân miệng (TCM) gần đây gia tăng ở nhiều nước thuộc khu vực châu Á và Tây Thái Bình Dương. Bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng đang gia tăng tại nhiều nước châu Mỹ, châu Á và khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều người dân bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Bên cạnh đó, dịch bệnh TCM, SXH đang gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 92.000 trường hợp mắc, 36 trường hợp tử vong do SXH. Bệnh SXH có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là khu vực miền Nam, miền Trung, Tây nguyên. Nguyên nhân là do mùa hè khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ tăng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển mạnh; tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình VSMT tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ... chưa được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh; chưa chủ động triển khai và duy trì thường xuyên hoạt động VSMT, diệt lăng quăng, diệt muỗi tại cộng đồng. Cho đến nay, bệnh SXH vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, công tác bảo đảm VSMT, diệt muỗi, diệt lăng quăng đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh.

Phát biểu tại buổi mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Các bệnh dịch lưu hành như SXH, TCM luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cục bộ tại một số địa phương. Để chủ động phòng, chống và không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt các chiến dịch VSMT, diệt muỗi, diệt lăng quăng tại các hộ gia đình, khu dân cư, nơi công cộng, công trường xây dựng...; giao trách nhiệm và phân công cụ thể chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về phòng chống SXH trên địa bàn; thành lập các tổ phòng, chống SXH cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc loại bỏ lăng quăng.

“Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, các ban ngành, đoàn thể các cấp và các hội viên chủ động, tích cực vận động người dân tham gia các hoạt động VSMT, vệ sinh cá nhân, sử dụng nước sạch phòng, chống dịch bệnh, tổ chức diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng, chống dịch bệnh SXH. Trong phòng, chống dịch bệnh, người dân có vai trò then chốt nên cần tự giác tham gia thực hiện tốt VSMT tại nơi ở, nơi làm việc, thực hành tốt vệ sinh cá nhân phòng, chống dịch bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Bình Dương sáng tạo trong phòng, chống dịch bệnh SXH

Trong khuôn khổ chiến dịch, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra thực tế tại Trạm Y tế phường Chánh Mỹ và khu nhà trọ Chánh Lộc 7, phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Theo số liệu thống kê, tính đến nay toàn tỉnh ghi nhận 8.567 ca mắc SXH, 12 ca tử vong và phát hiện được 1.520 ổ dịch. Bác sĩ Trương Thị Kim Phụng, Trưởng trạm Y tế phường Chánh Mỹ, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, phường ghi nhận 42 ca mắc SXH, tăng 21 ca số với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 1 ca tử vong. Phường phát hiện 11 ổ dịch đang lưu hành. Số ca mắc SXH ở phường đang có xu hướng tăng cao, có khả năng bùng phát thành dịch. Phường phát phiếu đến các hộ gia đình cam kết phòng, chống dịch bệnh”.

 

Đoàn xe diễu hành tuyên truyền nâng cao ý thức người dân phòng, chống các loại dịch bệnh

Hiện tại, khu phố Chánh Lộc 7 đang là điểm nóng dịch bệnh SXH của phường Chánh Mỹ, đã ghi nhận 1 ca tử vong là bé N.N.H.M, sinh năm 2012. Trước đó, Trạm Y tế phường phối hợp Trung tâm Y tế thành phố phun hóa chất, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, tổng VSMT và truyền thông phòng, chống dịch bệnh. Qua khảo sát thực tế khu nhà trọ ở khu phố Chánh Lộc 7, đoàn công tác của Bộ Y tế ghi nhận quanh khu vực nhà trọ vẫn còn một số bình, chậu hoa chứa lăng quăng (bọ gậy). Đoàn cũng phát hiện trong chậu hoa phong lan phía sau nhà trọ chứa hàng chục ấu trùng của muỗi và tiến hành lật các chậu hoa chứa nước. Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, cho biết Bình Dương là điểm nóng dịch bệnh SXH. Trong 7 tháng qua cả nước ghi nhận 36 trường hợp tử vong do bệnh SXH thì Bình Dương có tới 12 ca và đã ghi nhận hơn 8.500 ca mắc, 1.520 ổ dịch.

“Thời gian qua, Bình Dương có nhiều cách làm mới trong vận động, tuyên truyền người dân phòng, chống dịch bệnh nhưng hơn hết vẫn là ý thức của người dân. Chính sự chung tay phòng, chống dịch của người dân góp phần kéo giảm, đẩy lùi dịch bệnh. Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh đã triển khai mô hình phát phiếu cam kết phòng, chống các loại dịch bệnh tới các hộ gia đình và mạnh tay xử phạt hành chính đối với những doanh nghiệp, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình không thực hiện VSMT, dọn dẹp dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Với những cách làm sáng tạo, mạnh mẽ này của Bình Dương, tôi tin các dịch bệnh trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được đẩy lùi”, ông Nguyễn Lương Tâm nói.

Nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh là đến từng nhà phát tờ rơi, tuyên truyền vận động người dân thực hiện biện pháp VSMT, diệt lăng quăng, kiểm tra, dẹp bỏ các vật dụng chứa nước, vệ sinh chăm sóc trẻ phòng, chống bệnh TCM. Các địa phương chủ động vận động, tổ chức cho cộng đồng tham gia VSMT, phát quang bụi rậm, khơi thông cống thoát nước, lấp ao tù nước đọng, dẹp bỏ các vật dụng phế liệu ứ đọng nước sau mưa”.

(Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên