Cuối tháng 5-2021, Công an tỉnh đã phối hợp trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II tổ chức hội thảo khoa học về phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích thủ đoạn của loại tội phạm này.
Tham dự hội thảo có đại diện các phòng, khoa thuộc trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Bình Dương, Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh, đại điện các cơ quan tư pháp, sở ngành chuyên môn của tỉnh. Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống nhân dân.
Các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuất hiện trên lĩnh vực đất đai diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, như: Làm giả giấy tờ liên quan đến đất đai để chuyển nhượng hoặc đem thế chấp để chiếm đoạt tiền; phân lô, quảng cáo để chuyển nhượng bất hợp pháp các dự án khi chưa đủ điều kiện pháp lý, chiếm đoạt tiền của người mua; chuyển nhượng một bất động sản cho nhiều người...
Phát biểu tại hội thảo, thượng tá Vũ Duy Công, Trưởng phòng QLĐT trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II - Chủ nhiệm đề tài khoa học, cho rằng: “Nhiều người đầu tư hết tài sản của mình để mua một miếng đất, sau đó bị lừa đảo dẫn đến tình trạng phá sản hoặc trắng tay, ảnh hưởng đến quy hoạch, phát triển đô thị, băm nát quy hoạch dẫn đến quản lý và phát triển đô thị bị méo mó và gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự như kiện tụng, khiếu kiện đông người. Đối với các dự án không đúng theo quy định của pháp luật sẽ không được cấp quyền chứng nhận sử dụng đất cho nên người dân không xây dựng được hoặc xây dựng nhà nhưng trái phép dẫn đến việc quản lý về dân cư, quản lý về nhân hộ khẩu rất khó khăn”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, làm rõ phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này; những khó khăn vướng mắc trong công tác điều tra, xử lý cũng như đề ra nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm hạn chế, ngăn chặn hành vi phạm tội. “Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân là công tác rất quan trọng. Phải làm sao để người dân biết được thông tin liên quan các dự án hợp pháp, các thủ đoạn của đối tượng thường sử dụng để lừa đảo, từ đó nâng cao cảnh giác. Bên cạnh đó, cần phải rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để làm sao hệ thống văn bản quản lý về đất đai nói chung và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai nói riêng phải có hệ thống pháp luật đầy đủ. Cuối cùng mỗi người dân cần chủ động nắm tình hình quy hoạch đất đai trên địa bàn mình để tự phòng ngừa trước những thủ đoạn của các đối tượng gây ra”, thượng tá Vũ Duy Công phát biểu.
Theo thống kê, từ năm 2013 đến tháng 5-2021, cơ quan điều tra các cấp tỉnh Bình Dương đã thụ lý điều tra 46 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai với tài sản thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đây là hội thảo có ý nghĩa quan trọng, góp phần bổ sung, hoàn thiện những vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian sắp tới.
THÀNH QUANG